Đái tháo đường thai kỳ và những điều mẹ bầu cần biết

Đái tháo đường thai kỳ và những điều mẹ bầu cần biết
Đái tháo đường thai kỳ và những điều mẹ bầu cần biết
Đái tháo đường thai kỳ và những điều mẹ bầu cần biết

Khác với đái tháo đường tuýp 2, đái tháo đường thai kỳ xảy ra trong quá trình mang thai do những thay đổi trong cơ thể người mẹ. Nếu không phát hiện và kiểm soát kịp thời, tình trạng này có thể gây nhiều biến chứng cho mẹ và bé [1].

Hiểu về đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai [4], [6]. Nguyên nhân của tình trạng này hiện vẫn chưa được xác định nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy có thể là do nhau thai bài tiết một số hormone như estrogen, cortisol, lactogen gây kháng insulin và làm tăng đường huyết. Bình thường, tuyến tụy có thể tạo ra insulin bổ sung để khắc phục nhưng khi nhau thai phát triển, hormone bài tiết càng nhiều thì việc sản xuất insulin có thể không đủ và dẫn đến đái tháo đường thai kỳ [3].

Đa phần, đái tháo đường thai kỳ không có dấu hiệu nào đáng chú ý [4]. Hầu hết các trường hợp chỉ được phát hiện sau khi kiểm tra chỉ số đường huyết. Tuy nhiên, một số trường hợp cũng có các biểu hiện dễ nhận thấy của tăng đường huyết như [6]:

● Khát nước thường xuyên

● Đi tiểu nhiều lần hơn so với bình thường

● Khô môi

● Mệt mỏi

Biến chứng khi mắc đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Đối với mẹ, đái tháo đường thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ [1]:

● Tăng huyết áp và dẫn đến một số biến chứng như tiền sản giật, suy gan, suy thận…

● Sinh non: Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ sinh non cao hơn so với các thai phụ không mắc đái tháo đường thai kỳ.

● Đa ối: Tỷ lệ gặp phải tình trạng này ở phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ cao gấp 4 lần so với thai phụ bình thường

● Sảy thai: Đái tháo đường thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên.

● Các ảnh hưởng về lâu dài: Nhiều nghiên cứu nhận thấy phụ nữ có tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao diễn tiến thành đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.

Đối với bé, đái tháo đường thai kỳ có thể khiến [1], [4]:

● Thai lớn bất thường so với tuổi thai. Tình trạng này có thể gây khó khăn khi sinh, dẫn đến phải giục sinh hoặc sinh mổ.

● Các vấn đề về sức khỏe như hạ đường huyết, vàng da sau sinh, tăng hồng cầu, bệnh lý đường hô hấp.

● Dị tật bẩm sinh: Mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ không kiểm soát tốt có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ gấp 2 - 4 lần so với bình thường.

● Các ảnh hưởng về lâu dài: Trẻ có thể có nguy cơ béo phì và đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.

Kiểm soát đái tháo đường thai kỳ như thế nào để phòng ngừa biến chứng?

1. Thay đổi lối sống

Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ cần chú ý duy trì chế độ ăn lành mạnh, tập trung vào chất lượng của thực phẩm hơn là số lượng, ăn đa dạng thực phẩm và kiểm soát khẩu phần ăn [2], [4]. Cụ thể, bạn nên: [1]

● Lựa chọn thực phẩm chứa nhiều chất xơ như trái cây, rau củ…; thực phẩm có nhiều chất béo không no từ các nguồn thực vật, cá…; các thực phẩm có nhiều vitamin như quả chín.

● Nên ăn cá, tối thiểu 2 - 3 bữa/tuần, ưu tiên những thực phẩm giàu acid béo omega 3 (mỡ cá, cá hồi).

● Hạn chế các thực phẩm nhiều chất béo bão hòa (mỡ động vật, thịt nhiều mỡ…), thực phẩm nhiều cholesterol, thực phẩm có nhiều đường đơn, đường đôi. Hạn chế chế biến dưới dạng nướng, chiên xào ở nhiệt độ cao.

● Giảm sử dụng muối, đồ ăn mặn nhằm phòng ngừa tăng huyết áp. Chỉ nên sử dụng dưới 5g muối/ngày.

Các thực phẩm dinh dưỡng y học cho người mắc đái tháo đường với hệ bột đường tiên tiến được tiêu hóa từ từ, bổ sung myo-inositol, vitamin, khoáng chất với tỷ lệ cân đối cũng có thể là chọn lựa phù hợp để bổ sung dinh dưỡng cho phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ.

Bên cạnh chế độ ăn, bạn cũng cần chú ý vận động bởi điều này không chỉ giúp giảm đường huyết mà còn giúp đẩy lùi một số triệu chứng khi mang thai như suy giãn tĩnh mạch, táo bón... Bạn nên duy trì vận động, tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội… Tuy nhiên, cần trao đổi với bác sĩ sản khoa để có hình thức tập luyện thích hợp [4].

2. Theo dõi đường huyết

Kiểm tra đường huyết thường xuyên là một phần quan trọng trong việc kiểm soát đái tháo đường thai kỳ [2]. Bạn có thể được khuyên nên kiểm tra 4 lần mỗi ngày hoặc hơn (lần đầu tiên vào buổi sáng và sau mỗi bữa ăn) để đảm bảo đường huyết đang được kiểm soát ở mức mục tiêu. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), mục tiêu đường huyết mà mẹ cần lưu ý trong suốt quá trình mang thai là [5]:

Trước bước ăn: ≤ 95 mg/dl (≤ 5,3 mmol/l)

Sau khi ăn 1 giờ: ≤ 140 mg/dl (≤ 7,8 mmol/l)

Sau ăn 2 giờ: ≤ 120 mg/dl (≤ 6,7 mmol/l)

3. Sử dụng insulin theo hướng dẫn trong trường hợp cần [1]

Tại Việt Nam, insulin là loại thuốc duy nhất được chấp thuận sử dụng để kiểm soát đái tháo đường thai kỳ. Bạn có thể được chỉ định dùng insulin nếu:

● Sau 1-2 tuần kiểm soát bằng dinh dưỡng và chế độ luyện tập nhưng đường huyết vẫn không đạt được mục tiêu.

● Đường huyết lúc đói từ 5,6 mmol/l đến trên 5,8 mmol/l và/hoặc sau ăn trên 7,8 mmol/l.

● Thai to hơn so với tuổi thai.

Liều lượng Insulin và số mũi tiêm sẽ phụ thuộc vào mức tăng glucose huyết tương, hình thái tăng glucose huyết tương, tuổi thai, tình trạng kháng Insulin, stress, nhiễm trùng….

4. Theo dõi sức khỏe của bé

Một phần quan trọng không thể thiếu đó là bạn cần theo dõi sát sao cả sức khỏe của bé. Các chuyên gia y tế sẽ cẩn thận kiểm tra sự phát triển và lớn lên của thai nhi bằng siêu âm cũng như các xét nghiệm cần thiết khác để sớm phát hiện các bất thường và có cách can thiệp kịp thời [4].

Dù có thể tự khỏi sau khi sinh nhưng nếu không được kiểm soát tốt, đái tháo đường thai kỳ vẫn có thể gây nhiều biến chứng cho mẹ và bé [4]. Do đó, nếu gặp phải tình trạng này, mẹ hãy chú ý thay đổi lối sống, dùng thuốc trong trường hợp cần, theo dõi đường huyết thường xuyên để có một thai kỳ khỏe mạnh nhé!

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:
1. Hướng dẫn quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ https://mch.moh.gov.vn/Upload/Documents/2018/10/6a81da5f43944ad354051e2c69bb7e71-FINAL-%20HDQG%20Dai%20thao%20duong%20thai%20ky%2020.10.2018.pdf Ngày truy cập 13/10/2022
2. Prenatal Care: Pregnancy is often a time of great highs and lows. https://www.diabetes.org/diabetes/gestational-diabetes/prenatal-care Ngày truy cập 13/10/2022
3. Gestational Diabetes Mellitus (GDM) https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/diabetes/gestational-diabetes Ngày truy cập 13/10/2022
4. Gestational diabetes https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/diagnosis-treatment/drc-20355345 Ngày truy cập 13/10/2022
5. Gestational diabetes and a healthy baby? https://diabetes.org/diabetes/gestational-diabetes Ngày truy cập 13/10/2022
6. Gestational diabetes https://www.nhs.uk/conditions/gestational-diabetes/ Ngày truy cập 13/10/2022


GLU-C-316-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan