Thông tin cần biết để sử dụng hợp lý insulin trong điều trị đái tháo đường

Thông tin cần biết để sử dụng hợp lý insulin trong điều trị đái tháo đường
Thông tin cần biết để sử dụng hợp lý insulin trong điều trị đái tháo đường
Thông tin cần biết để sử dụng hợp lý insulin trong điều trị đái tháo đường

Insulin là một loại hormone mà cơ thể tiết ra để giữ mức đường huyết trong giới hạn bình thường. Chất này được sản xuất bởi các tế bào beta trong tụy. Nhiệm vụ chính của insulin là vận chuyển glucose trong máu vào trong tế bào để tạo năng lượng. Nếu bạn không có đủ insulin, đường sẽ tích tụ dần trong máu thay vì được chuyển vào trong tế bào để cung cấp năng lượng [1].

Với đái tháo đường tuýp 1, cơ thể bạn không tạo ra đủ insulin và bởi vậy insulin phải được tiêm thường xuyên mỗi ngày. Còn với đái tháo đường tuýp 2, cơ thể không thể sản xuất đủ insulin, hoặc insulin được tạo ra nhưng không được sử dụng hiệu quả. Lúc này, có thể sẽ cần tiêm insulin để kiểm soát mức đường huyết.

Bắt đầu sử dụng insulin có thể đáng sợ với nhiều người, vì họ có thể sợ kim tiêm, hay đơn giản là sợ tình trạng đái tháo đường quá nặng nên phải tiêm insulin. Tuy vậy, tiêm insulin đơn giản hơn hầu hết mọi người tưởng tượng. Có nhiều thiết bị khác nhau có thể được sử dụng để hỗ trợ bạn trong việc tiêm insulin hằng ngày. Người cần phải tiêm insulin thường sẽ cảm thấy khỏe hơn nhiều một khi đã bắt đầu sử dụng.

Các loại insulin điều trị đái tháo đường hiện nay

Các loại insulin được chia theo thời gian tác dụng trong cơ thể. Nhóm insulin tác dụng nhanh và ngắn thì giúp giảm đường huyết vào bữa ăn và nhóm tác dụng trung bình và dài thì giúp kiểm soát nhu cầu chung toàn cơ thể. Cả hai nhóm lớn này cùng giúp điều chỉnh mức đường huyết trong ngày.

1. Tác dụng nhanh

Insulin tác dụng nhanh bắt đầu tác dụng đâu đó quanh 2,5 đến 20 phút sau khi tiêm vào cơ thể. Tác động của nó đạt đỉnh vào khoảng 1 và 3 giờ sau tiêm và có thể kéo dài đến 5 giờ. Loại insulin này tác động nhanh hơn sau bữa ăn, tương tự với insulin tự nhiên của cơ thể, giảm nguy cơ cơn hạ đường huyết. Khi bạn sử dụng loại insulin này, bạn cần phải ăn liền ngay sau tiêm. Các loại insulin tác dụng nhanh hay được sử dụng: Humalog rapid, Apidra, Novo rapid,… [1]

2. Tác dụng ngắn

Insulin tác dụng ngắn cần thời gian lâu hơn để bắt đầu có tác dụng so với insulin tác dụng nhanh. Loại này bắt đầu có hiệu quả giảm đường huyết trong vòng 30 phút, nên bạn cần tiêm trước khi ăn 30 phút.

Nó có hiệu quả tối đa 2 đến 5 giờ sau tiêm và kéo dài tới 6 đến 8 giờ. Các loại insulin tác dụng ngắn hay được sử dụng: Actrapid, Humulin R,… [1]

3. Tác dụng trung bình

Insulin tác dụng trung bình và kéo dài thì thường được gọi chung là insulin nền. Loại insulin tác dụng trung bình là dạng dung dịch đục và cần phải được trộn kỹ trước khi dùng. Nhóm insulin này bắt đầu hoạt động khoảng 60 đến 90 phút sau khi tiêm, đạt đỉnh sau 4 đến 12 giờ và kéo dài tác dụng giữa 16 đến 24 giờ. Các loại insulin tác dụng trung bình hay được sử dụng: Humulin NPH, Protaphane,… [1]

4. Tác dụng dài

Loại insulin này là dung dịch dạng trong, không cần trộn đều trước khi sử dụng. Các loại insulin tác dụng kéo dài thường được sử dụng:

● Lantus (glargine insulin): phóng thích chậm và ổn định mà không có tác dụng đỉnh rõ ràng. Một liều tiêm có thể kéo dài đến 24 giờ. Thuốc này thường được tiêm một lần mỗi ngày, những cũng có thể dùng hai lần nếu cần thiết [1].

5. Insulin hỗn hợp (trộn)

Insulin trộn chứa một hỗn hợp kết hợp trước của một insulin tác dụng nhanh hoặc ngắn, với một insulin tác dụng trung bình. Sau đây là các hỗn hợp insulin thường được sử dụng [1].

Insulin tác dụng nhanh và trung bình:

● Novomix 30 (Protaphane với 30% nhanh, 70% trung bình).

● Humalog Mix 25 (Humulin NPH với 25% nhanh, 75% trung bình).

● Humalog Mix 50 (Humulin NPH với 50% nhanh, 50% trung bình).

Insulin tác dụng nhanh và kéo dài:

● Ryzodeg 70/30 (70% Degludec kéo dài, 30% Aspart nhanh).

Insulin tác dụng ngắn và trung bình:

● Mixtard 30/70 (Protaphane với 30% ngắn, 70% trung bình).

● Mixtard 50/50 (Protaphane với 50% ngắn, 50% trung bình).

● Humulin 30/70 (Humulin NPH với 30% ngắn, 70% trung bình).

Hướng dẫn cách tiêm insulin đạt hiệu quả tốt nhất và những cẩn trọng khi sử dụng insulin

1. Các dụng cụ tiêm insulin

Xi lanh tiêm: Xi lanh tiêm thường được sản xuất thành dạng 30 đơn vị (0,3mL) và 100 đơn vị (1,0 mL). Xi lanh tiêm này là loại dùng một lần, và hiện ít được sử dụng. Chủ yếu hiện nay đã chuyển sang dạng bút tiêm tiện dụng hơn [1].

Bút tiêm: Hiện đã có nhiều loại bút tiêm với thuốc có sẵn tương ứng với các loại thường được sử dụng trên thị trường. Tùy từng loại bút mà buồng chứa thuốc insulin trong đó có thể thay thế được hay không. Các loại bút này thường cần được bỏ đi nếu không dùng hết sau 1 tháng. Đây là dụng cụ tiêm insulin phổ biến nhất hiện nay. Đầu kim tiêm insulin gắn vào bút cũng có thể được thay thế và đầu kim mới nên được sử dụng sau mỗi lần tiêm [1].

Bơm insulin đặt dưới da: Bơm insulin là một thiết bị được lập trình sẵn, có một buồng chứa insulin và được mang ngoài cơ thể. Bơm này được lên chương trình để đưa insulin vào các mô mỡ trong cơ thể (thông thường là vùng bụng) qua một ống nhựa nhỏ được gọi là hệ thống truyền. Người ta chỉ dùng insulin tác dụng nhanh cho bơm insulin [1].

Hệ thống truyền sử dụng một kim sắt nhỏ hoặc một kim luồn được đặt vào dưới da, và cần được thay mỗi 2 đến 3 ngày. Bơm insulin được lập trình trước bởi các chuyên viên y tế để tự động truyền liên tục một lượng nhỏ insulin nhằm giữ mức đường huyết ổn định giữa các bữa ăn [1]. Người dùng cũng có thể dùng bơm đưa một lượng lớn insulin vào cơ thể mỗi khi ăn, tương tự với cách tụy chúng ta phản ứng. Tuy vậy, dụng cụ này không phải là thích hợp với mọi người mắc đái tháo đường, bạn cần tham khảo ý kiến của chuyên viên y tế trước khi sử dụng.

2. Các vị trí tiêm insulin

Insulin được tiêm qua da vào mô mỡ mà còn được gọi là lớp mỡ dưới da. Thuốc này không nên được tiêm vào cơ hoặc trực tiếp vào mạch máu, vì việc này thay đổi tốc độ insulin được hấp thu và có tác dụng trong cơ thể. Hấp thu insulin thay đổi tùy theo vị trí được tiêm. Vùng bụng hấp thu insulin nhanh nhất và được hầu hết mọi người sử dụng. Vùng cánh tay trên, mông và đùi có tốc độ hấp thu chậm hơn và cũng có thể được sử dụng.

3. Các yếu tố tăng tốc độ hấp thu insulin

Biến đổi trong hấp thu insulin có thể gây ra những thay đổi trong đường huyết. Mức độ hấp thu insulin sẽ tăng khi [1]:

● Tiêm vào vùng cơ có vận động như là đùi hoặc cánh tay.

● Nhiệt độ cao do tắm nước nóng, xông hơi, …

● Xoa bóp vùng mô quanh khu vực tiêm.

● Tiêm vào cơ – điều này khiến insulin được hấp thu nhanh hơn và có thể khiến đường huyết giảm quá thấp.

4. Các yếu tố trì hoãn hấp thu insulin

Mức độ hấp thu insulin cũng có thể bị giảm do [1]:

● Sử dụng một vùng tiêm lặp lại quá nhiều, điều này khiến vùng dưới da bị lồi lõm hoặc sẹo (tình trạng này còn được gọi là tăng sản mỡ).

● Insulin bị lạnh (ví dụ tiêm insulin ngay sau khi vừa lấy ra khỏi tủ lạnh).

● Hút thuốc lá.

5. Xử lý các dụng cụ tiêm đã sử dụng như thế nào?

Những bút tiêm hay đầu kim tiêm nên được chứa vào một dụng cụ chứa riêng, cứng để giảm thiểu tỉ lệ bị tổn thương do kim đâm khi xử lý. Bạn nên liên hệ với chuyên viên y tế địa phương để được hướng dẫn cụ thể về cách loại bỏ các dụng cụ này.

6. Lưu trữ insulin như thế nào?

Insulin cần được lưu trữ đúng cách, bao gồm [1]:

● Lọ insulin chưa mở nên được trữ trong tủ lạnh.

● Giữ nhiệt độ lưu trữ giữa 2 – 80C.

● Đảm bảo rằng insulin không bị đông.

● Lọ insulin một khi đã mở ra, lưu trữ ở nhiệt độ phòng (dưới 250C) không quá một tháng và sau đó nên được vứt bỏ một cách an toàn.

● Tránh để insulin tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

7. Các lưu ý an toàn khi sử dụng

Bạn cần sử dụng một dụng cụ mới và không tiếp tục sử dụng dụng cụ tiêm insulin hiện tại nếu có các dấu hiệu sau [1]:

● Dung dịch insulin thông thường là dịch trong nay trở nên bị đục.

● Dung dịch insulin thông thường là dịch đục nay có những mảng vón cục hoặc cặn đóng rõ nhìn thấy trong ống chứa insulin, và những mảng cặn này không biến mất khi lăn nhẹ ống chứa qua lại.

● Quá hạn sử dụng in trên dụng cụ.

● Insulin đã bị đông hoặc để ngoài nơi có nhiệt độ cao (> 300C).

● Dụng cụ tiêm đã bắt đầu được sử dụng hoặc lấy ra khỏi tủ lạnh trên 1 tháng.

Liều insulin thường không giữ nguyên một mức như lúc bạn bắt đầu tiêm. Các chuyên viên y tế sẽ giúp bạn điều chỉnh liều hợp lý. Có nhiều lý do để cần thiết phải chỉnh liều insulin bạn đang sử dụng, có thể là do thay đổi trong cường độ tập thể dục, thay đổi trong chế độ ăn, điều chỉnh các thuốc uống điều trị đái tháo đường kèm theo hay do tình trạng bệnh nền, thay đổi trong cân nặng của bạn. Một phần quan trọng trong chỉnh liều insulin là bước theo dõi và ghi chú lại mức đường huyết đều đặn và thường xuyên để đạt hiệu quả tốt nhất trong quản lý đái tháo đường.

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:
1. Better Health Channel. Diabetes and Insulin. Site: https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/diabetes-and-insulin


GLU-C-310-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan