Thuốc điều trị
đái tháo đường: cách dùng an toàn và hiệu quả

Thuốc điều trị đái tháo đường: cách dùng an toàn và hiệu quả
Thuốc điều trị đái tháo đường: cách dùng an toàn và hiệu quả
Thuốc điều trị đái tháo đường: cách dùng an toàn và hiệu quả

Hiện có nhiều loại thuốc điều trị đái tháo đường khác nhau, và tác động qua nhiều cơ chế đa dạng. Mỗi người cũng sẽ phù hợp với từng loại thuốc khác nhau, do đó bạn không nên quá lo lắng nếu bạn phải điều chỉnh liều và loại thuốc trước khi tìm được liệu pháp thích hợp nhất với bản thân. Bạn có thể tìm hiểu các thông tin về cơ chế tác động, mức độ hiệu quả, những tình huống nên sử dụng và các tác dụng phụ cần lưu ý với những thuốc thường dùng để hiểu về thuốc điều trị đái tháo đường mà bạn đang dùng. 

Các loại thuốc thường gặp dành cho người đái tháo đường

1. Metformin

Metformin là một trong những loại thuốc lâu đời nhất nhưng lại cũng hiệu quả nhất cho điều trị đái tháo đường tuýp 2. Thuốc này giảm lượng đường trong máu của bạn bằng cách giảm lượng đường mà gan bạn phóng thích ra và giảm hấp thu đường từ thức ăn của bạn. Metformin cũng giúp cơ thể bạn đáp ứng tốt hơn với insulin nội sinh [2].

Với hầu hết mọi người mắc đái tháo đường tuýp 2, đặc biệt là người thừa cân thì thuốc này cũng là lựa chọn tốt vì metformin không gây tăng cân và thuốc này có thể giúp giảm HbA1c đến khoảng 1,5% [2]. Metformin có thể gây ra các triệu chứng khó chịu ở dạ dày ở một số người, và sẽ cần giảm liều với những người có suy thận [2].

2. Sulfonylureas và meglitinides

Nhóm thuốc này giúp tụy tăng sản xuất nhiều insulin hơn, điều này sẽ giúp giảm đường trong máu bạn. Những người đã dùng metformin mà cần kiểm soát đường huyết tốt hơn thì sẽ cần dùng thêm nhóm thuốc này. Các thuốc này có thể giúp giảm HbA1c đến 1,5% [2]. Nhóm thuốc này có một bất lợi là có khả năng gây tăng cân [2]. Khi sử dụng, vấn đề cần lưu ý nhất là nguy cơ hạ đường huyết và tăng cân [2].

3. TZDs

Những thuốc này giúp giảm đường huyết bằng cách làm chậm quá trình tân sinh đường ở gan và giúp cơ thể bạn đáp ứng tốt hơn với insulin nội sinh [2]. Nhóm thuốc TZDs có hiệu quả với những người có vấn đề về đề kháng insulin [2]. Chúng có thể giúp giảm HbA1c đến 1% [2]. Lưu ý khi sử dụng các thuốc này là khiến người dùng có thể bị ứ dịch và tăng nguy cơ gãy xương [2].

4. Thuốc ức chế DDP-4

Các thuốc này ngăn chặn quá trình phân giải một loại hormone cụ thể trong máu (GLP-1, tên đầy đủ là glucagon-like peptide 1) để giúp cơ thể chống lại đái tháo đường bằng nhiều cách. Giữ lại được lượng hormone GLP-1 này tuần hoàn trong máu cho phép cơ thể bạn tạo ra được nhiều insulin hơn và làm chậm phóng thích glucose từ gan. Nhiều GLP-1 cũng giúp giảm cảm giác thèm ăn và làm chậm quá trình làm trống dạ dày, cả hai tác dụng này đều giúp giảm cân [2]. Thuốc ức chế DDP-4 thường sẽ tốt cho những người cần hỗ trợ thêm kiểm soát đường huyết và không muốn tăng cân. Hiệu quả của thuốc này giúp giảm HbA1c khoảng 0,5% [2].

Các thuốc này có thể gây buồn nôn và nôn ói ở một số người. Rất hiếm khi, chúng có thể gây viêm tụy. Đau khớp cũng là một tác dụng phụ đã được báo cáo. Đặc biệt, FDA Hoa Kỳ đã cảnh báo về tăng nguy cơ suy tim với hai thuốc Onglyza và Nesina (và chỉ hai thuốc này trong nhóm thuốc ức chế DDP-4) [5].

5. Thuốc ức chế SGLT2

Những thuốc này giảm đường huyết trong máu bằng cách tăng thải đường qua nước tiểu. Các thuốc ức chế SGLT2 tốt cho những người muốn giảm cân và cải thiện việc kiểm soát đường huyết [2]. Hiệu quả giảm HbA1c của nhóm thuốc này khoảng 1% [2]. Nhóm thuốc này có tác dụng phụ cần lưu ý là tăng nguy cơ nhiễm nấm sinh dục, nhiễm trùng tiểu dưới hoặc mất nước. Có nhiều cảnh báo từ FDA Hoa Kỳ cho nhóm thuốc này vì khả năng gây ra những biến chứng ngoại ý, mặc dù hiếm, nhưng lại khá nghiêm trọng, như là suy thận cấp, nhiễm toan máu (nhiễm toan ceton), và nhiễm trùng da vùng bẹn [5].

Invokana (canagliflozin) đặc biệt đã cho thấy là tăng nguy cơ gãy xương và nguy cơ đoạn chi bàn chân hay cẳng chân. Tuy nhiên, những lợi ích của các thuốc nhóm này lại vượt trội so với khả năng mắc các biến chứng hiếm khi xảy ra này, nên người ta vẫn khuyến cáo sử dụng chúng [5].

6. Thuốc ức chế alpha-glucosidase.

Những thuốc này giúp giảm đường trong máu bằng cách giảm hấp thu đường đơn từ dạ dày [2]. Chúng có thể giúp giảm HbA1c đến 0,5% [2]. Các tác dụng phụ thường gặp là đầy hơi và khó tiêu. Sử dụng thuốc này cũng có khả năng làm tăng men gan, nên bạn có thể sẽ cần kiểm tra chức năng gan định kỳ khi sử dụng thuốc [2].

Kết hợp thay đổi lối sống để quản lý đái tháo đường hiệu quả

Ngoài việc sử dụng thuốc hợp lý để kiểm soát đường huyết, việc kết hợp thuốc và các biện pháp thay đổi lối sống cũng góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát tốt tình trạng đái tháo đường của bạn, và giúp giảm các tỉ lệ mắc các biến chứng về lâu dài [3].

1. Lựa chọn chế độ ăn lành mạnh

Đưa ra những lựa chọn thức ăn hợp lý, dựa trên nhu cầu năng lượng, thành phần dinh dưỡng và cả sở thích cá nhân của mỗi người. Bạn nên chọn những loại thức ăn giàu chất xơ, ưu tiên nguồn đạm từ cá nhằm cung cấp acid béo omega-3 và tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn, hay chứa nhiều đường. Bên cạnh đó, bạn có thể cân nhắc lựa chọn thêm các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho người mắc đái tháo đường khi cần thay thế hoàn toàn bữa chính hoặc dùng như bữa phụ. Đây là những sản phẩm chứa hệ bột đường tiên tiến được tiêu hóa từ từ, có chỉ số đường huyết thấp, bổ sung myo-inositol và kết hợp với axit béo MUFA giúp tăng tiết GLP-1, một loại hormone giúp giảm cảm giác thèm ăn, chậm làm trống dạ dày và đặc biệt là tăng tiết insulin.

2. Duy trì hoạt động thể lực

Tập luyện thể dục thường xuyên, ít nhất 20 – 30 phút mỗi ngày, giúp bạn kiểm soát cân nặng và cũng như góp phần kiểm soát đường huyết tốt trong mức mục tiêu [1].

3. Các thói quen tốt khác

Ngưng hút thuốc lá, việc này giúp giảm cao huyết áp, giảm mỡ máu, giảm các tổn thương trên mạch máu nhỏ mà có thể gây các biến chứng trên tim và thận của bạn [1]. Thực hiện lối sống cân bằng, giảm căng thẳng, giảm mất ngủ…

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:
1. American Diabetes Association; Standards of Medical Care in Diabetes—2022 Abridged for Primary Care Providers. Clin Diabetes 1 January 2022; 40 (1): 10–38. Site: https://diabetesjournals.org/clinical/article/40/1/10/139035/Standards-of-Medical-Care-in-Diabetes-2022
2. GoodRx Health. Diabetes Treatment Guide: Oral Diabetes Medications. Site: https://www.goodrx.com/conditions/diabetes-type-2/guide-to-oral-diabetes-medications-t2d-pills
3. American Heart Association. Living Healthy with Diabetes. Site: https://www.heart.org/en/health-topics/diabetes/prevention--treatment-of-diabetes/living-healthy-with-diabetes
4. Diabetes UK. Tablets and Medication. Site: https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/managing-your-diabetes/treating-your-diabetes/tablets-and-medication
5. FDA Warnings. Site: https://www.fda.gov/drugs/drug-safety-and-availability/fda-drug-safety-communication-fda-adds-warnings-about-heart-failure-risk-labels-type-2-diabetes


GLU-C-309-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan