Người mắc đái tháo đường cần chế độ dinh dưỡng ra sao?

Người mắc đái tháo đường cần chế độ dinh dưỡng ra sao?

Banner
Banner
Banner

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần kiểm soát đái tháo đường là chế độ ăn lành mạnh. Người đái tháo đường hiện không còn bị "ép" hoặc bị ràng buộc vào một chế độ ăn kiêng khắt khe như trước. Thay vào đó, các chuyên gia khuyến khích họ ăn uống linh hoạt hơn sao cho vừa cung cấp đủ dưỡng chất vừa ổn định đường huyết [3].

Vậy người mắc đái tháo đường cần chế độ dinh dưỡng ra sao? Làm thế nào để xây dựng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, khoa học cho người đái tháo đường? Mời bạn cùng theo dõi trong bài viết dưới đây!

Nguyên tắc cơ bản trong chế độ dinh dưỡng cho người mắc đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Trong số các trường hợp thì đái tháo đường tuýp 2 chiếm 90 - 95% và thường được gọi là đái tháo đường của người lớn tuổi hay đái tháo đường không phụ thuộc insulin [2].

Với những người mắc đái tháo đường nói chung và đái tháo đường tuýp 2 nói riêng, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng là 1 trong 3 yếu tố quan trọng giúp quản lý đái tháo đường bên cạnh việc tăng cường vận động và dùng thuốc. Theo Hướng dẫn điều trị đái tháo đường tuýp 2 của Bộ Y tế ban hành năm 2020, người mắc đái tháo đường cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau trong chế độ ăn [2]:

● Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cân bằng cả về số lượng lẫn chất lượng

● Không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn.

● Duy trì hoạt động thể lực bình thường.

● Duy trì cân nặng hợp lý.

● Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu.

● Không thay đổi quá nhanh và quá nhiều cơ cấu và khối lượng bữa ăn.

● Đơn giản không quá đắt tiền.

● Phù hợp với tập quán địa phương dân tộc.

Ngoài ra, nhu cầu năng lượng của người mắc đái tháo đường cũng tương tự như người bình thường và có thể thay đổi khác nhau tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người. Người mắc đái tháo đường có thể tìm đến chuyên gia tư vấn dinh dưỡng để tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc xây dựng một kế hoạch dinh dưỡng hoàn chỉnh và cá nhân hóa [1], [4].

Làm thế nào để xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học cho người mắc đái tháo đường?

Để xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng cùng với những nguyên tắc trên, người mắc đái tháo đường có thể thử các bí quyết sau:

● Thực hiện phương pháp chia dĩa thức ăn với ½ dĩa dùng để chứa các loại rau củ không chứa tinh bột như rau bina, cà rốt và cà chua…; ¼ dĩa chứa các thực phẩm có thành phần là đạm như cá, thịt heo, thịt gà… và ¼ dĩa còn lại chứa thực phẩm có thành phần là tinh bột như cơm, bún…. Cùng với đó là một khẩu phần trái cây hoặc các thực phẩm từ sữa, nước, trà hoặc cà phê không đường [1]. Phương pháp này sẽ giúp đảm bảo cung cấp đủ chất xơ, protein và hạn chế thức ăn chứa nhiều chất đường bột làm tăng đường huyết [4], [5].

● Theo dõi cẩn thận lượng đường bột, đảm bảo tổng lượng đường bột nạp vào trong ngày nằm trong mức giới hạn bằng cách chú ý đến khẩu phần ăn và hàm lượng đường bột có trong thực phẩm [1], [3].

● Tránh các thực phẩm không tốt cho người mắc đái tháo đường như thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa (trans fat), thực phẩm chứa nhiều muối như đồ ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, thịt muối, cà muối… [1], [2]. Nên chế biến các món ăn nhạt tới mức có thể chấp nhận được và giảm dần lượng muối tới mục tiêu ít hơn 6g muối/ngày [1].

● Thêm vào thực đơn các thực phẩm tốt cho người mắc đái tháo đường như thực phẩm giàu chất xơ (trái cây, rau củ, các loại ngũ cốc, các loại đậu), các loại cá giàu axit béo omega-3 tốt cho sức khỏe tim mạch (cá hồi, cá ngừ…), các thực phẩm chứa chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa có thể giúp giảm cholesterol (bơ, dầu hạt cải, dầu ô liu…) [1], [2]

● Sử dụng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt được thiết kế theo công thức dành riêng cho người mắc đái tháo đường, giúp kiểm soát tốt đường huyết cũng như yếu tố nguy cơ tim mạch và nhiều vấn đề sức khỏe khác [6]. Bạn có thể cân nhắc chọn các sản phẩm đã được chứng minh lâm sàng, có hệ bột đường tiên tiến, có thể cung cấp các vitamin, khoáng chất thiết yếu cũng như các loại axit béo tốt MUFA và PUFA, giúp người mắc đái tháo đường có cơ thể khỏe mạnh và kiểm soát tốt đường huyết.

Chế độ dinh dưỡng cho người đái tháo đường có thể được xây dựng linh hoạt theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về dinh dưỡng như trên. Ngoài ra, người mắc đái tháo đường nên tuân thủ quy tắc “kiềng ba chân" để kiểm soát đái tháo đường tốt hơn. Đó là song song với việc chú ý chế độ dinh dưỡng, người mắc đái tháo đường cũng nên tăng cường vận động và dùng thuốc theo hướng dẫn để kiểm soát tốt tình trạng đường huyết.

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:

1. Diabetes diet: Create your healthy-eating plan https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-diet/art-20044295 Ngày truy cập 28/7/2022.

2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 2 của Bộ Y tế ban hành ngày 30/12/2020 https://syt.binhdinh.gov.vn/index.php/vi/download/Thu-vien-Huong-dan-chan-doan-dieu-tri-Quy-trinh-ky-thuat-va-cac-Tai-lieu-chuyen-mon-kham-chua-benh/Quyet-dinh-so-5481-QD-BYT-ngay-31-12-2020-cua-Bo-Y-te-V-v-ban-hanh-tai-lieu-chuyen-mon-Huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-dai-thao-duong-tip-2.html Ngày truy cập 28/7/2022.

3. Food for Thought https://www.diabetes.org/sites/default/files/2019-10/ADV_2019_Consumer_Nutrition_One%20Pager.pdf (PDF 607kb) Ngày truy cập 28/7/2022.

4. Diabetes Meal Planning https://www.cdc.gov/diabetes/managing/eat-well/meal-plan-method.html Ngày truy cập 28/7/2022.

5. What is the Diabetes Plate Method? https://www.diabetesfoodhub.org/articles/what-is-the-diabetes-plate-method.html Ngày truy cập 28/7/2022.

6. Diabetes-Specific Nutrition Formulas in the Management of Patients with Diabetes and Cardiometabolic Risk https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7761009/ Ngày truy cập 28/7/2022.

GLU-C-215-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan