RUỘT ẢNH HƯỞNG ĐẾN CƠ THỂ TRẺ NHỎ NHIỀU HƠN LÀ TA TƯỞNG

RUỘT ẢNH HƯỞNG ĐẾN CƠ THỂ TRẺ NHỎ NHIỀU HƠN LÀ TA TƯỞNG
RUỘT ẢNH HƯỞNG ĐẾN CƠ THỂ TRẺ NHỎ NHIỀU HƠN LÀ TA TƯỞNG
RUỘT ẢNH HƯỞNG ĐẾN CƠ THỂ TRẺ NHỎ NHIỀU HƠN LÀ TA TƯỞNG

PGS. TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM
Tháng 11, 2021

Ai trong chúng ta cũng biết ruột là nơi hấp thu chất bổ dưỡng, giúp cho cơ thể nhận đầy đủ năng lượng nuôi sống mỗi ngày cũng như tiếp nhận vô số các chất thuộc các nhóm đạm, đường, béo và vitamin, khoáng chất. Đặc biệt, với một cơ thể của bé đang phát triển và hoàn thiện từng ngày thì vai trò của ruột lại càng quan trọng. Thử tưởng tượng một ngày ruột ngưng hấp thu, cơ thể không có năng lượng để hoạt động, cơ bắp không có các chất để tái tạo, hàng loạt chức năng phức tạp của cơ thể như một nhà máy thiếu nguyên liệu phải tạm dừng hoạt động hay hoạt động tạm theo một cách khác.

Tuy nhiên, chức năng của ruột không đơn giản chỉ dừng lại đó mà còn vươn xa tầm ảnh hưởng của mình đến mọi ngóc ngách của cơ thể. Xin liệt kê một vài điểm chính sau:

1. Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch:

Từng ngày từng giờ, cơ thể chúng ta tiếp xúc với vô số vi sinh vật đang bay lơ lửng trong không khí hay tồn tại trong thức ăn, nước uống. Hệ miễn dịch quyết định khả năng đề kháng của cơ thể, chống chọi là với những nguy cơ rình rập đó. Con người ta có 2 hệ miễn dịch:

- Hệ miễn dịch bẩm sinh: ai sinh ra cũng có, như bộ da che chắn cơ thể, dịch axit trong dạ dày hay các tế bào bạch cầu. Hệ miễn dịch này có sẵn nhưng không đặc hiệu cho một tác nhân nào cả và kém mạnh mẽ.

- Hệ miễn dịch thụ đắc: có được sau khi cơ thể tiếp xúc với một tác nhân nào đó thông qua việc chủng ngừa hoặc chẳng may bị nhiễm bệnh. Loại miễn dịch này chuyên biệt hơn và mạnh mẽ hơn. Chúng được cơ thể “giới thiệu” để làm quen với một tác nhân gây bệnh nào đó, sau đó cơ thể sẽ ghi nhớ chúng và đào tạo các thành phần miễn dịch chuyên biệt cho tác nhân đó trong các “doanh trại quân đội” của cơ thể. Sau này nếu gặp lại chúng trong đời sống, cơ thể lập tức sẽ “huy động” rất nhiều những kháng thể và tế bào “ra trận”, trực tiếp tấn công khống chế tác nhân đó. Một ví dụ dễ hiểu là chích ngừa bệnh thuỷ đậu là đưa vào người virus thuỷ đậu nhưng đã được làm yếu đi. Cơ thể “nhận diện” và “tự đào tạo” hệ thống miễn dịch sẵn sàng chống lại virus đó. Sau này, nếu bé gặp virus thuỷ đậu thực sự ngoài đời thì cơ thể đã sẵn sàng có các thành phần miễn dịch giúp bé ngăn ngừa nguy cơ bị lây bệnh một cách hữu hiệu.

Thế nhưng, ít ai biết phần lớn các “doanh trại quân đội” chuyên huấn luyện binh lính sẵn sàng ra trận đó là nằm tại ruột (70-80%) thông qua hệ thống hạch trên thành ruột. Hàng ngày, ngoài chức năng hấp thu dưỡng chất, các hạch này không ngừng tương tác với rất nhiều thành phần của ruột (mà quan trọng là hệ vi sinh đường ruột) để duy trì một trạng thái miễn dịch cân bằng và hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể.

2. Ảnh hưởng đến não bộ:

Ruột và não là hai cơ quan nằm khá xa nhau nhưng không hoàn toàn tách biệt nhau. Ngược lại, chúng “nói chuyện” với nhau thường xuyên thông qua một cơ chế truyền tin hai chiều rất hữu hiệu. Điều này có thể thấy rõ trong thực tế. Những hôm nào chúng ta buồn phiền, lo lắng thì cái bụng có cảm giác ăn không tiêu, đầy bụng, chướng hơi. Thậm chí một số người sẽ xuất hiện đau bụng, tiêu lỏng mỗi khi có những cơn stress dai dẳng (hội chứng ruột kích thích). Ở chiều ngược lại, những ai thường xuyên bị viêm ruột mạn tính thì lâu ngày dễ sinh cáu gắt, buồn phiền, cảm giác ngon miệng hầu như không thấy. Đó là do bộ não và cái ruột đã tác động qua lại lẫn nhau thông qua một đường dây gọi là “trục não – ruột”. Người ta đặt giả thuyết cho rằng hệ vi sinh ở ruột có thể tác động đến não, gây ra những rối loạn hành vi, nhận thức, cảm giác cô đơn và thậm chí tự kỷ, ở người lớn cũng như trẻ em. Các vấn đề trên còn đang được nghiên cứu.

Một tác động khác của đường ruột đến sự phát triển trí não là nhờ vào sự hấp thu dưỡng chất của đường tiêu hoá. Rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển trí não như DHA, AA, Lutein, các loại vitamin thiết yếu, … sẽ không thể được cung cấp trọn vẹn nếu như đường ruột vì lý do nào đó giảm hấp thu. 

Thế thì nên làm gì để ruột được khoẻ để duy trì sự ảnh hưởng quan trọng của nó đến cơ thể? Ngày nay có rất nhiều cách để chăm sóc đường ruột cũng như hỗ trợ thêm cho các chức năng của ruột, cụ thể:

- Bổ sung probiotic: đó là những men vi sinh đã được nghiên cứu, giúp cho đường ruột khoẻ mạnh và hoạt động ổn định. Probiotic có thể dùng khi cơ thể khoẻ mạnh với mục đích phòng ngừa bệnh tật hoặc dùng trong một số trường hợp có chỉ định của Bác sĩ như hỗ trợ trong điều trị tiêu chảy cấp tính, tiêu chảy do kháng sinh, điều trị tiệt trừ HP, viêm ruột mạn tính, …

- Bổ sung prebiotic: là “thức ăn” cho các probiotic và lợi khuẩn trong đường ruột. Prebiotic cũng cho thấy vai trò giúp cho hệ miễn dịch cũng như hoạt động của ruột (làm mềm phân, giúp đi cầu đều đặn).

- Bổ sung HMO: là các oligosaccharide có trong sữa mẹ, hỗ trợ với đường ruột trong việc tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Có hơn 200 loại HMO khác nhau có trong sữa mẹ. Mỗi loại được nghiên cứu và ứng dụng bằng cách bổ sung trong sữa công thức, dành cho các bé không được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn. Hiện nay đã có 5 loại HMO khác nhau được bổ sung vào sữa công thức.

- Ngoài ra, tránh cho đường ruột phải chịu áp lực từ những căng thẳng trong cuộc sống. Trẻ em thì bảo vệ ruột bằng việc không sử dụng kháng sinh bừa bãi, bú mẹ theo khuyến cáo, ăn dặm hợp lý, bổ sung probiotic khi cần thiết. Người lớn thì sống vui sống khoẻ bằng những biện pháp chống stress như sống chan hoà, thiết lập một thời gian biểu hài hoà cho công việc và giải trí. Hơn nữa, tránh những chế độ ăn theo kiểu phương Tây (nhiều thịt đỏ, ít rau xanh) cũng là cách nâng niu đường ruột, một cơ quan mà giờ đây chắc các bạn đã đồng ý rằng rất quan trọng đối với cơ thể phải không nào?

SIM-C-445-21

---------------------

Tài liệu tham khảo:
https://www.worldgastroenterology.org/UserFiles/file/guidelines/probiotics-and-prebiotics-english-2017.pdf

Gợi ý sản phẩm

Bài viết liên quan