Tầm quan trọng của việc cân bằng dinh dưỡng cho người mắc
đái tháo đường

Tầm quan trọng của việc cân bằng dinh dưỡng cho người mắc đái tháo đường
Tầm quan trọng của việc cân bằng dinh dưỡng cho người mắc đái tháo đường
Tầm quan trọng của việc cân bằng dinh dưỡng cho người mắc đái tháo đường

Khi nhắc đến việc kiểm soát đái tháo đường, bên cạnh việc sử dụng thuốc và tập thể dục thì dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ là một trong các yếu tố quan trọng. Thế nhưng, với người mắc đái tháo đường, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng có thể là một thử thách. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Tại sao việc cân bằng dinh dưỡng cho người mắc đái tháo đường lại đóng vai trò quan trọng?

Nếu được chẩn đoán mắc đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường, bạn sẽ được khuyên nên thay đổi chế độ ăn và cố gắng duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh. Bởi dinh dưỡng là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đái tháo đường [1].

Cụ thể, chế độ dinh dưỡng cân bằng sẽ giúp kiểm soát đường huyết [1]. Nếu ăn uống không phù hợp, ăn quá nhiều thực phẩm có hàm lượng carbohydrate cao, bạn có thể bị tăng đường huyết. Trong khi đó, nếu ăn quá ít, bỏ bữa, ăn uống kiêng khem quá mức, bạn có thể gặp phải tình trạng hạ đường huyết [2]. Và dù tăng hay hạ đường huyết thì nếu diễn ra trong thời gian dài đều sẽ có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng [3], [4].

Ngoài ra, một chế độ ăn cân bằng, đủ chất còn đảm bảo bạn có đủ năng lượng để thực hiện các hoạt động hàng ngày. Nếu bạn ăn quá ít, bỏ bữa, nhịn ăn hoặc ăn uống thiếu chất, cơ thể có thể bị thiếu hụt năng lượng, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thiếu tập trung. Không những vậy, nó còn khiến bạn hay có cảm giác đói, thèm ăn liên tục, từ đó, có thể dẫn đến việc ăn uống không kiểm soát và khiến việc quản lý đái tháo đường gặp nhiều khó khăn [5], [6].

5 bí quyết cân bằng dinh dưỡng cho người mắc đái tháo đường

1. Xây dựng các bữa ăn cân bằng dinh dưỡng

Chế độ ăn dành cho người mắc đái tháo đường không cần phải quá phức tạp và bạn không nhất thiết phải từ bỏ tất cả các món mà mình thích [8]. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng là đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể, giảm cảm giác đói, thèm ăn cũng như giúp ổn định đường huyết [7].

Để tạo các bữa ăn cân bằng mà không cần tính toán hay đo lường, bạn có thể thực hiện phương pháp chia đĩa thức ăn. Với phương pháp này, 1 đĩa thức ăn sẽ gồm 50% các loại rau củ không chứa tinh bột (chẳng hạn như cà rốt, rau bina…), 25% các loại thực phẩm chứa thành phần là protein (chẳng hạn như cá, thịt heo, thịt gà…) và 25% các loại thực phẩm chứa tinh bột (chẳng hạn như cơm, bún…). Cùng với đó là 1 khẩu phần nhỏ các thực phẩm chứa chất béo tốt như quả bơ, các loại quả hạch, 1 ly nước hoặc trà, cà phê không đường và 1 phần trái cây [12]. 

Ngoài ra, trong quá trình lựa chọn thực phẩm, bạn nên chọn các món giàu dinh dưỡng và hạn chế các món không tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn, bạn nên ăn nhiều trái cây và rau quả tươi, ngũ cốc giàu chất xơ, thực phẩm giàu protein “tốt” như thịt gia cầm không da, thịt nạc, cá… [11]. Đồng thời, nên hạn chế các thực phẩm như thức ăn đóng gói, thức ăn nhanh, bánh mì trắng, ngũ cốc có đường, thịt đã qua chế biến và thịt đỏ… [1], [11].

2. Lựa chọn thực phẩm chứa carbohydrate "tốt" hay carbohydrate phức hợp

Carbohydrate có tác động lớn đến mức đường huyết. Vì vậy, bạn cần cẩn thận khi chọn thực phẩm thuộc nhóm này. Cụ thể, bạn nên tránh các thực phẩm chứa carbohydrate đơn giản, loại carbohydrate hấp thụ nhanh và có thể làm tăng lượng đường trong máu, chẳng hạn như các loại thực phẩm chế biến, đồ uống có đường. Thay vào đó, nên ưu tiên chọn thực phẩm chứa carbohydrate phức hợp giàu chất xơ được tiêu hóa chậm như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu như đậu lăng, đậu Hà Lan… [8], [9]

3. Cẩn thận đối với các thực phẩm chứa nhiều đường [8]

Mắc đái tháo đường không đồng nghĩa với việc trong chế độ ăn, bạn phải loại bỏ hoàn toàn đường và các thực phẩm chứa đường. Bạn vẫn có thể thưởng thức nhưng cần lưu ý các điểm sau:

● Cố gắng giảm dần lượng đường trong chế độ ăn để điều chỉnh vị giác

● Bữa ăn nào có các món ngọt thì nên giảm các thực phẩm chứa nhiều carbohydrate

● Ăn chung các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như các loại hạt, quả bơ với đồ ngọt. Do chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa nên lượng đường trong máu sẽ không tăng nhanh

● Ăn đồ ngọt cùng với các thực phẩm lành mạnh thay vì dùng như một bữa ăn nhẹ độc lập. Khi ăn riêng, đồ ngọt sẽ khiến đường huyết tăng đột biến nhưng nếu ăn cùng với các loại thực phẩm lành mạnh khác, tình trạng này có thể không xảy ra.

4. Lựa chọn thực phẩm chứa chất béo "tốt" [8]

Lựa chọn thực phẩm chứa chất béo tốt cũng là một phần quan trọng khi xây dựng chế độ ăn cân bằng cho người mắc đái tháo đường. Chất béo có 2 loại là chất béo “xấu” hay chất béo bão hòa (thường có nhiều trong thịt đỏ, thịt chế biến, thức ăn nhanh…) và chất béo “tốt” hay chất béo không bão hòa (thường có nhiều trong dầu oliu, các loại quả hạch, quả bơ). Người mắc đái tháo đường nên chọn các thực phẩm chứa chất béo tốt để tăng cường sức khỏe tim mạch, tuy nhiên không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn thực phẩm chứa chất béo “xấu” ra khỏi chế độ ăn mà thay vào đó nên dùng 1 cách hạn chế.

5. Ăn uống đều đặn, tránh bỏ bữa [8]

Cơ thể có thể điều chỉnh lượng đường trong máu và cân nặng tốt hơn khi được duy trì một lịch trình ăn uống đều đặn với khẩu phần ăn vừa phải và nhất quán cho mỗi bữa ăn. Do đó, bạn cần:

● Bắt đầu một ngày mới với một bữa sáng đầy đủ dưỡng chất để cung cấp năng lượng cũng như ổn định lượng đường trong máu [8]

● Duy trì 3 bữa ăn chính trong ngày. Bữa phụ cần được cá nhân hóa. Mức năng lượng của bữa phụ phải nằm trong tổng mức năng lượng hàng ngày. Thông thường, bữa phụ chỉ nên chiếm 10 - 15% tổng số năng lượng trong ngày [10]

● Cố gắng ăn một lượng tương đương nhau mỗi ngày, thay vì ăn quá nhiều trong một ngày hoặc một bữa rồi bỏ qua bữa tiếp theo [8].

Nếu không có điều kiện để chuẩn bị các bữa ăn đầy đủ dưỡng chất nhằm duy trì lịch trình ăn uống đều đặn, bạn có thể cân nhắc lựa chọn các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt dành cho người mắc đái tháo đường để thay thế bữa chính hoặc dùng như bữa phụ. Các sản phẩm này không chỉ được pha sẵn, tiện lợi mà được thiết kế khoa học với dinh dưỡng cân đối và đầy đủ cùng năng lượng chuẩn giúp cân bằng tỷ lệ protein, chất béo, bột đường, các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Đặc biệt, sản phẩm này còn có hệ bột đường tiên tiến, được tiêu hóa từ từ, bổ sung myo-inositol giúp kiểm soát tốt đường huyết và hỗ trợ ổn định đường huyết khi sử dụng lâu dài.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng với người mắc đái tháo đường. Để xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, bạn nên lựa chọn các thực phẩm phù hợp, tốt cho sức khỏe, đồng thời cố gắng ăn uống đều đặn để giúp ổn định tốt đường huyết và kiểm soát đái tháo đường hiệu quả.

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:
1. Diabetes diet: Create your healthy-eating plan https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-diet/art-20044295 Ngày truy cập: 10/10/2022
2. Good to Know: Factors Affecting Blood Glucose https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5898168/ Ngày truy cập: 10/10/2022
3. Phòng ngừa biến chứng bệnh đái tháo đường https://hanam.gov.vn/syt/Pages/phong-ngua-bien-chung-benh-dai-thao-duong.aspx Ngày truy cập: 10/10/2022
4. Hypoglycemia? Low Blood Glucose? Low Blood Sugar? https://diabetesjournals.org/clinical/article/30/1/38/35419/Hypoglycemia-Low-Blood-Glucose-Low-Blood-Sugar Ngày truy cập: 10/10/2022
5. 11 Ways to Stop Cravings for Unhealthy Foods and Sugar https://www.healthline.com/nutrition/11-ways-to-stop-food-cravings Ngày truy cập: 10/10/2022
6. What are the signs of not eating enough? https://www.medicalnewstoday.com/articles/322157 Ngày truy cập: 10/10/2022
7. Lifestyle Management: Standards of Medical Care in Diabetes—2019 https://diabetesjournals.org/care/article/42/Supplement_1/S46/31274/5-Lifestyle-Management-Standards-of-Medical-Care Ngày truy cập: 10/10/2022
8. The Diabetes Diet https://www.helpguide.org/articles/diets/the-diabetes-diet.htm Ngày truy cập: 10/10/2022
9. Good vs. Bad Carbs: What Should You Eat? https://health.clevelandclinic.org/good-carb-bad-carb-dont-buy-into-4-myths/ Ngày truy cập: 10/10/2022
10. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 của Bộ Y tế ban hành 30/12/2020 https://syt.binhdinh.gov.vn/index.php/vi/download/Thu-vien-Huong-dan-chan-doan-dieu-tri-Quy-trinh-ky-thuat-va-cac-Tai-lieu-chuyen-mon-kham-chua-benh/Quyet-dinh-so-5481-QD-BYT-ngay-31-12-2020-cua-Bo-Y-te-V-v-ban-hanh-tai-lieu-chuyen-mon-Huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-dai-thao-duong-tip-2.html Ngày truy cập: 10/10/2022
11. 10 Foods to Avoid When You Have Type 2 Diabetes https://www.everydayhealth.com/type-2-diabetes/diet/joy-bauer-foods-to-avoid-when-you-have-diabetes/ Ngày truy cập: 10/10/2022
12. Phương pháp đĩa thức ăn cho người bệnh đái tháo đường http://www.binhchanhhospital.vn/phuong-phap-dia-thuc-an-cho-nguoi-benh-dai-thao-duong-614.html# Ngày truy cập: 10/10/2022


GLU-C-322-22

Bài viết liên quan