Bí quyết có một thai kỳ khỏe mạnh cho mẹ mắc
đái tháo đường

Bí quyết có một thai kỳ khỏe mạnh cho mẹ mắc đái tháo đường
Bí quyết có một thai kỳ khỏe mạnh cho mẹ mắc đái tháo đường
Bí quyết có một thai kỳ khỏe mạnh cho mẹ mắc đái tháo đường

Đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả mẹ lẫn bé trong suốt thời gian mang thai và sinh nở. Do đó, nếu bạn mắc đái tháo đường và có dự định sinh con, bạn sẽ cần ghi nhớ một số lưu ý quan trọng sau để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Đái tháo đường ảnh hưởng đến mẹ và bé như thế nào?

Đái tháo đường có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của mẹ và bé nếu không được kiểm soát tốt trước và trong thời gian mang thai. Cụ thể, đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ, nhất là nếu mẹ gặp phải tình trạng đường huyết tăng cao trong 8 tuần đầu tiên của thai kỳ bởi đây là giai đoạn các cơ quan như não, tim, thận và phổi của bé bắt đầu hình thành. Ngoài ra, đường huyết tăng cao không kiểm soát cũng có thể làm tăng nguy cơ sinh non, thai to, bé gặp phải vấn đề hô hấp hoặc lượng đường trong máu thấp ngay sau khi sinh [1].

Đối với mẹ, nếu không được kiểm soát, đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ mắc tiền sản giật hoặc tăng huyết áp. Bên cạnh đó, mẹ mắc đái tháo đường cũng có nguy cơ cao bị sảy thai, thai lưu. Ngoài ra, những thay đổi về nội tiết trong thời gian mang thai cũng có thể làm ảnh hưởng đến mức đường huyết. Nếu không được can thiệp, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng như các vấn đề về mắt, thận… [1, [2].

Phụ nữ mắc đái tháo đường cần chuẩn bị gì trước khi mang thai?

Khám sức khoẻ trước khi mang thai

Khi có ý định mang thai, phụ nữ mắc đái tháo đường nên có kế hoạch đi khám sức khỏe. Trong quá trình thăm khám, chuyên viên y tế sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại, trao đổi về việc kiểm soát đường huyết và có sự điều chỉnh về loại thuốc đang sử dụng nếu cần. Ngoài ra, bạn cũng có thể được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như [1]:

● Khám mắt

● Đo huyết áp, tầm soát bệnh lý tim mạch

● Tầm soát bệnh thận, bệnh thần kinh ngoại biên

● Tầm soát bệnh lý tuyến giáp

Bắt đầu các thói quen tốt cho sức khỏe để kiểm soát đường huyết

Ngoài việc đi khám, bạn cũng cần đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để tìm hiểu và lên chế độ ăn phù hợp. Sau đó, bạn sẽ cần tuân thủ chế độ ăn này để kiểm soát đái tháo đường. Ngoài ra, bạn cũng nên bắt đầu thói quen tập thể dục với mục tiêu 30 phút mỗi ngày và 5 ngày/tuần. Đồng thời, cố gắng loại bỏ dần các thói quen không tốt như hút thuốc nếu có và hạn chế dùng rượu, bia hoặc thức uống có cồn [1].

Tìm hiểu về việc dùng thuốc an toàn trong thai kỳ

Một số loại thuốc sẽ không an toàn cho bà bầu và cần ngừng dùng trước khi mang thai. Bạn hãy nói với chuyên viên y tế về tất cả các loại thuốc đang dùng như thuốc điều trị cholesterol cao và huyết áp cao. Chuyên viên y tế sẽ cho bạn biết những loại thuốc nào nên ngừng dùng và có thể kê thêm một loại thuốc khác an toàn để sử dụng trong thai kỳ [1].

Bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết

Axit folic là một loại vitamin quan trọng bạn nên bổ sung trước và trong khi mang thai để bảo vệ sức khỏe của thai nhi. Bạn cần bắt đầu bổ sung axit folic ít nhất 1 tháng trước khi mang thai. Ngoài ra, một số trường hợp, bạn cũng có thể cần bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất khác như sắt, canxi…[1]

Lưu ý cần nhớ trong quá trình mang thai cho phụ nữ mắc đái tháo đường

Theo dõi đường huyết và tuân thủ việc dùng thuốc

Khi mang thai, bạn sẽ cần kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn. Bạn sẽ cần trao đổi với chuyên gia y tế về tần suất và thời điểm cụ thể nên kiểm tra mức đường huyết. Ngoài ra, bạn cũng cần hỏi kỹ về mức đường huyết mục tiêu nào phù hợp với bạn [1].

Duy trì chế độ ăn khoa học

Phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường cần hết sức lưu ý trong việc xây dựng chế độ ăn để giúp quản lý tốt đường huyết nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi [3]. Bạn sẽ cần tập trung vào việc lựa chọn các thực phẩm tốt cho sức khỏe như [2]:

● Hoa quả và rau

● Ngũ cốc nguyên hạt, đậu và các loại đậu

● Thịt nạc

● Các loại cá, tuy nhiên nên tránh các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao

● Các sản phẩm từ sữa ít béo

Bạn cũng có thể đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được thiết kế một chế độ ăn phù hợp. Ngoài ra, trong chế độ ăn, bạn cũng có thể cân nhắc dùng thêm các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho người đái tháo đường. Đây là những sản phẩm được thiết kế khoa học với hệ bột đường tiên tiến được tiêu hóa từ từ, bổ sung myo-inositol kết hợp với axit béo MUFA giúp tăng tiết GLP-1, một loại hormone giúp giảm cảm giác thèm ăn, chậm làm trống dạ dày và đặc biệt là tăng tiết insulin giúp ổn định đường huyết và kiểm soát cân nặng. Ngoài ra, các sản phẩm này còn có chứa các dưỡng chất giúp hỗ trợ miễn dịch như vitamin A, D, E, C, B6, B12, axit folic, sắt, kẽm… giúp hỗ trợ miễn dịch.

Chú ý vận động [3]

Tập thể dục cũng là một phần quan trọng trong việc kiểm soát đái tháo đường. Phụ nữ mang thai nếu có chế độ vận động hợp lý sẽ giúp giữ đường huyết ở mức mục tiêu, đồng thời giúp giảm các triệu chứng thường gặp của thai kỳ. Bạn có thể hỏi thêm ý kiến chuyên gia y tế về chế độ cũng như các bài tập phù hợp.

Tái khám đúng theo lịch hẹn [1]

Trong suốt thời gian mang thai, bạn sẽ cần đi khám thường xuyên hơn để theo dõi mức đường huyết cũng như tình trạng sức khỏe trong suốt thai kỳ. Ngoài ra, bạn cũng sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu và siêu âm để kiểm tra sức khỏe của thai nhi.

Nếu bạn mắc đái tháo đường và có ý định mang thai, hãy chia sẻ với chuyên viên y tế về điều này để được hỗ trợ tốt nhất. Đồng thời, hãy lưu ý kỹ những điều nên và không nên làm trong suốt thai kỳ để có mẹ có sức khỏe tốt và bé chào đời khỏe mạnh nhé!

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:
1. Pregnancy if You Have Diabetes https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/diabetes-pregnancy Ngày truy cập: 19/10/2022
2. Can You Have a Safe Pregnancy If You Have Type 2 Diabetes? https://www.healthline.com/health/pregnancy/type-2-diabetes Ngày truy cập: 19/10/2022
3. Prenatal Care https://diabetes.org/diabetes/gestational-diabetes/prenatal-care Ngày truy cập: 19/10/2022
4. Hướng dẫn quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ - Bộ Y tế https://mch.moh.gov.vn/Upload/Documents/2018/10/6a81da5f43944ad354051e2c69bb7e71-FINAL-%20HDQG%20Dai%20thao%20duong%20thai%20ky%2020.10.2018.pdf Ngày truy cập 17/10/2022


GLU-C-319-22

Bài viết liên quan