Một số lưu ý về dinh dưỡng cho bà bầu mắc
đái tháo đường thai kỳ

Một số lưu ý về dinh dưỡng cho bà bầu mắc đái tháo đường thai kỳ
Một số lưu ý về dinh dưỡng cho bà bầu mắc đái tháo đường thai kỳ
Một số lưu ý về dinh dưỡng cho bà bầu mắc đái tháo đường thai kỳ

Kiểm soát đường huyết khi mang thai rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn và bé. Để kiểm soát đường huyết hiệu quả, một chế độ ăn lành mạnh sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, bạn hãy "thuộc lòng" ngay những thực phẩm nên ăn và không nên ăn trong bài viết sau đây nhé!

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu mắc đái tháo đường thai kỳ

Dù có đang dùng thuốc hay không, một chế độ ăn uống hợp lý cũng là “vũ khí” lợi hại giúp bạn kiểm soát đái tháo đường hiệu quả để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và bé [1]. Nhìn chung, khi xây dựng chế độ dinh dưỡng, các mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ cần lưu ý những điều sau:

● Thay thế thực phẩm chứa chất bột đường (carbohydrate) đơn (bánh ngọt, kẹo, đồ uống ngọt…) thành chất bột đường phức hợp như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu… Các loại thực phẩm này thường nhiều dinh dưỡng, giúp no lâu, tốt hơn cho việc kiểm soát cân nặng và đường huyết [5], [6].

● Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ. Chất xơ cũng là một loại bột đường phức tạp không gây tăng đường huyết sau bữa ăn. Vì vậy, mẹ bầu nên sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất xơ hơn trong khẩu phần của mình [2], [3].

● Dùng một lượng vừa đủ protein, đặc biệt là vào bữa sáng để giảm các cơn đói và ốm nghén [1]. Ngoài ra, protein thường được tiêu hóa chậm hơn so với chất bột đường. Vì thế, bữa ăn có kết hợp chất bột đường với chất đạm (protein) có thể giúp ngăn ngừa lượng đường huyết trong cơ thể tăng quá nhanh [3].

● Lựa chọn thực phẩm chứa chất béo lành mạnh (chất béo không bão hoà) để giúp giảm cholesterol, tăng cường sức khỏe tim mạch cho mẹ trong thai kỳ [7]. 

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý ăn đủ 3 bữa hoặc chia nhỏ thành nhiều bữa phụ trong ngày. Cần tránh việc bỏ bữa, giữ số lượng và tỉ lệ các loại dưỡng chất (chất bột đường, chất béo và chất đạm) nạp vào cơ thể giống nhau mỗi ngày. Như vậy có thể giúp mẹ bầu ổn định lượng đường huyết và ngăn ngừa những biến chứng của đái tháo đường thai kỳ [8].

Bà bầu mắc đái tháo đường thai kỳ nên ăn gì và kiêng gì?

Thực phẩm nên ăn

So với việc ăn nhiều, phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ nên chú ý nhiều hơn đến việc bổ sung và thay đổi đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày. Cụ thể, bạn nên chọn các loại thực phẩm chứa:

● Chất bột đường phức hợp thường có trong các loại đậu, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, các loại trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), các loại rau củ quả không tinh bột như bông cải xanh, dưa leo… [1], [8].

● Protein lành mạnh như cá, thịt gia cầm đã loại bỏ da, các loại thịt nạc (hoặc thịt đã bỏ mỡ) từ heo, bò, các loại đậu… [4], [8]

● Chất béo không bão hoà hay chất béo tốt có trong quả bơ, các loại hạt, nên thay mỡ động vật bằng dầu hạt cải, dầu ô liu, dầu đậu phộng [1].

Ngoài những loại thực phẩm trên, phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ cũng có thể cân nhắc sử dụng thêm sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt dành cho người mắc đái tháo đường. Đây là những sản phẩm được thiết kế khoa học với hệ bột đường tiên tiến, bổ sung my-inositol giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả. Ngoài ra, những sản phẩm này cũng được tăng cường vi chất dinh dưỡng, giúp bạn bổ sung dinh dưỡng cân đối và đầy đủ.

Thực phẩm nên tránh hoặc hạn chế

Bên cạnh các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ cũng nên chú ý: [4]

● Tránh hoặc hạn chế thực phẩm có nhiều đường như các loại kẹo, bánh ngọt, bánh quy, bánh rán, trái cây khô, nước ngọt, nước ép trái cây có thêm đường…

● Cắt giảm chất béo bão hòa, thay vào đó nên sử dụng các chất béo không bão hòa, chẳng hạn như dầu hướng dương hoặc ô liu để nấu ăn và trộn salad. Khi chế biến thực phẩm nên nướng, hấp, luộc thay vì chiên, xào.

● Tránh một số thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột không tốt cho sức khỏe như các đồ chiên dầu mỡ, thức ăn nhanh, trái cây khô.

● Tránh ăn da và nội tạng động vật do những thực phẩm này có thể cung cấp quá nhiều chất béo gây tích tụ mỡ thừa, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu.

● Cắt giảm muối, quá nhiều muối có liên quan đến huyết áp cao, làm tăng nguy cơ biến chứng đái tháo đường thai kỳ.

Đối với các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột như bánh mì trắng, cơm trắng, mì, bún, miến, phở… bạn nên hạn chế ăn quá nhiều trong mỗi bữa ăn. Bạn có thể chia khẩu phần ăn thành 4 phần trong đó 1 phần tinh bột, 1 phần đạm, 2 phần rau củ. Lượng tinh bột cho mỗi phần khoảng 1/2 chén đến 2/3 chén cơm [4].

Song song với việc ăn uống hợp lý, điều quan trọng mà bạn cũng cần lưu ý đó là thường xuyên kiểm tra mức đường huyết sau mỗi bữa ăn. Việc này sẽ giúp bạn biết chính xác cơ thể phản ứng như thế nào với các loại thực phẩm khác nhau [2]. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên khám thai định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh là một trong những yếu tố quan trọng giúp kiểm soát đái tháo đường thai kỳ hiệu quả. Bên cạnh những lưu ý về lựa chọn thực phẩm phù hợp, bạn cũng có thể đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được xây dựng chế độ ăn phù hợp nhất với tình trạng của mình nhé!

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:
1. What Should You Eat When You’re on a Gestational Diabetes Diet Plan? https://health.clevelandclinic.org/what-should-you-eat-when-youre-on-a-gestational-diabetes-diet-plan/ Truy cập ngày: 14/10/2022
2. Gestational diabetes and your diet https://www.tommys.org/pregnancy-information/pregnancy-complications/gestational-diabetes/gestational-diabetes-and-your-diet Ngày truy cập: 14/10/2022
3. Chế độ ăn kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-kiem-soat-duong-huyet-o-benh-nhan-dai-thao-duong-thai-ky-169210903140303535.htm Ngày truy cập: 14/10/2022
4. Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì, kiêng gì? https://tytphuong3qtb.medinet.gov.vn/an-toan-thuc-pham/ba-bau-bi-tieu-duong-thai-ky-nen-an-gi-kieng-gi-c9970-30675.aspx Ngày truy cập 18/10/2022
5. Carbohydrates https://my.clevelandclinic.org/health/articles/15416-carbohydrates Ngày truy cập: 14/10/2022
6. Simple Vs Complex Carbs: Which one better for weight loss? https://www.kidneyurology.org/simple-vs-complex-carbs-which-one-better-for-weight-loss/ Ngày truy cập: 14/10/2022
7. Fats https://diabetes.org/healthy-living/recipes-nutrition/eating-well/fats#:~:text=The%20American%20Diabetes%20Association%20recommends,Facts%20label%20on%20food%20products. Ngày truy cập: 17/10/2022
8. Gestational diabetes diet https://medlineplus.gov/ency/article/007430.htm Ngày truy cập 14/10/2022


GLU-C-320-22

Bài viết liên quan