Cách lựa chọn thực phẩm cho người mắc đái tháo đường theo từng nhóm dưỡng chất

Cách lựa chọn thực phẩm cho người mắc đái tháo đường theo từng nhóm dưỡng chất
Cách lựa chọn thực phẩm cho người mắc đái tháo đường theo từng nhóm dưỡng chất
Cách lựa chọn thực phẩm cho người mắc đái tháo đường theo từng nhóm dưỡng chất

Người mắc đái tháo đường phải lưu ý nhiều hơn đến chế độ ăn để tránh ảnh hưởng đến mức đường huyết. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải từ bỏ các món ăn yêu thích. Thay vào đó, bạn sẽ cần cẩn thận hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để có thể cân bằng giữa việc ổn định đường huyết và chất lượng cuộc sống.

Người mắc đái tháo đường nên lựa chọn thực phẩm như thế nào?

Chế độ ăn dành cho người đái tháo đường không cần phải quá phức tạp và bạn không cần phải từ bỏ tất cả các món ăn mà mình thích [1]. Thay vào đó, bạn chỉ cần lưu ý một số điều sau:

● Ăn nhiều trái cây, rau, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt. Đây là những thực phẩm giàu dinh dưỡng và chất xơ, ít chất béo và calo [5]

● Lựa chọn thực phẩm chứa chất béo không no một nối đôi (MUFA) và chất béo không no nhiều nối đôi (PUFA), những chất béo “tốt” cho tim mạch [1]

● Lựa chọn thực phẩm chứa carbohydrate "tốt" hay carbohydrate phức hợp giàu chất xơ. Loại carbohydrate này thường được tiêu hóa chậm hơn và có thể giúp bạn no lâu hơn [1]

● Không cần phải loại bỏ hoàn toàn đường và các thực phẩm chứa nhiều đường ra khỏi chế độ ăn, tuy nhiên, cần tránh ăn quá nhiều [1].

● Bổ sung protein có lợi cho sức khỏe. Cần chọn lựa protein từ thực phẩm có tỉ lệ thấp chất béo bão hòa, cũng như chứa ít carbohydrate để không làm ảnh hưởng nhiều đến đường huyết [4].

Ngoài ra, người mắc đái tháo đường cũng nên hạn chế các loại thực phẩm chứa các chất béo không lành mạnh như chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa [5]. Đồng thời, nên cố gắng ăn nhạt tương đối, ít hơn 5g muối/ngày và cố gắng hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như dưa muối, cà muối, mì tôm, xúc xích… [2]

Gợi ý cách lựa chọn thực phẩm theo nhóm cho người mắc đái tháo đường

1. Nhóm chất bột đường [2]

Theo Hướng dẫn điều trị đái tháo đường tuýp 2 do Bộ Y tế ban hành năm 2020, lượng chất bột đường mà người mắc đái tháo đường tuýp 2 ăn vào nên chiếm 50 - 60% tổng số năng lượng và tối thiểu 130g/ngày. Ở nhóm này, các thực phẩm được khuyến cáo lựa chọn là những thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau, đậu, các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt/gạo lật, khoai củ, bánh mì đen, hoa quả. Ngoài ra, nên hạn chế các thức ăn chứa nhiều đường như bánh kẹo, mứt sấy khô, mật ong, hoa quả ngọt như mít, đu đủ, xoài...

2. Nhóm chất đạm [2]

Người mắc đái tháo đường nên ăn lượng chất đạm với lượng chiếm khoảng 15 - 20% tổng năng lượng. Đối với trường hợp không mắc protein niệu (tình trạng có protein trong nước tiểu), không mắc suy thận, mức protein khuyến cáo là 1 - 1,2g/kg cân nặng/ngày. Còn với người có biến chứng thận, mức protein khuyến cáo là 0,8g/kg cân nặng/ngày. Khi lựa chọn thực phẩm thuộc nhóm này, bạn nên:

● Tăng cường sử dụng cá và thủy hải sản

● Ăn các loại thịt bò, thịt lợn ít mỡ

● Ăn thịt gia cầm bỏ da

● Hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol: phủ tạng động vật...

● Có thể sử dụng trứng 2-4 quả/tuần, ăn cả lòng đỏ và lòng trắng

● Chọn các thực phẩm có nhiều chất béo chưa bão hòa có lợi cho sức khỏe: đậu đỗ, lạc, vừng, dầu oliu, dầu cá...

3. Nhóm chất béo [2]

Lượng chất béo mà người mắc đái tháo đường nên ăn vào mỗi ngày nên chiếm 20 - 25% tổng năng lượng. Trong đó, chất béo bão hòa nên dưới 10% tổng năng lượng và cholesterol nên dưới 300mg/ngày. Cụ thể, bạn nên chọn:

● Thực phẩm có ít chất béo bão hòa như cá, thịt nạc, đậu phụ, lạc, vừng

● Tránh ăn các thức ăn như thịt mỡ, nội tạng động vật, dầu cọ, dầu dừa, hoặc các thức ăn chiên rán kỹ.

● Chọn các dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương...

● Không nên sử dụng lại dầu đã sử dụng ở nhiệt độ cao: xào, rán...

4. Vitamin, muối khoáng và các chất xơ [2]

Người mắc đái tháo đường cũng cần được cung cấp các vi chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin và muối khoáng như người bình thường. Vi chất dinh dưỡng thường có nhiều trong rau và trái cây, trong đó trái cây là nguồn cung cấp vitamin chính. Tuy nhiên, khi ăn, bạn nên:

● Ăn nguyên múi, nguyên miếng, không dùng nước ép trái cây vì quá trình chế biến đã bị mất chất xơ nên đường bị hấp thu nhanh hơn.

● Không nên ăn hoa quả quá 20% mức năng lượng hàng ngày, vì quá mức sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến chuyển hóa chất béo, chất bột đường.

● Chọn những trái cây có chỉ số đường huyết GI thấp từ 0 đến 55 như ổi, lê, táo, cam.

● Ăn vừa phải trái cây có chỉ số đường huyết GI trung bình (trong khoảng 55 đến 69) như chuối, đu đủ.

● Hạn chế trái cây có chỉ số tăng đường huyết nhanh như dưa hấu, vải, nhãn, xoài.

Đối với chất xơ, lượng khuyến nghị sẽ là 20 - 30g/ngày và thường có nhiều trong các phần như vỏ, dây, lá, hạt ... của các loại cây lấy quả, rau xanh và ngũ cốc.

Thực tế, không có một công thức chung về chế độ dinh dưỡng cho người mắc đái tháo đường. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), một chế độ dinh dưỡng hợp lý chính là đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể, giảm cảm giác đói, thèm ăn cũng như giúp ổn định đường huyết [3]. Để đạt được mục tiêu này, bạn có thể kết hợp nhiều nhóm thực phẩm với tỷ lệ cân đối giữa các chất.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc dùng thêm sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho người mắc đái tháo đường để thay thế hoàn toàn bữa chính hoặc có thể dùng như bữa ăn phụ. Những sản phẩm này được thiết kế khoa học với dinh dưỡng cân đối và đầy đủ với hệ bột đường tiên tiến, bổ sung myo-inositol cùng năng lượng chuẩn giúp cân bằng tỷ lệ protein, chất béo, bột đường, các vitamin và khoáng chất thiết yếu, hỗ trợ kiểm soát tốt đường huyết. Đặc biệt, các sản phẩm này còn có chứa hỗn hợp chất béo đặc chế giàu acid béo không no một nối đôi (MUFA) và acid béo không no nhiều nối đôi (PUFA) tốt cho tim mạch.

Với người mắc đái tháo đường, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng sẽ cần phải thận trọng. Tuy nhiên, bạn cũng không cần kiêng khem quá mức, thay vào đó hãy cố gắng lựa chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, hạn chế các món không lành mạnh để góp phần kiểm soát đái tháo đường hiệu quả.

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:
1. The Diabetes Diet https://www.helpguide.org/articles/diets/the-diabetes-diet.htm Ngày truy cập: 10/10/2022
2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 của Bộ Y tế ban hành 30/12/2020 https://syt.binhdinh.gov.vn/index.php/vi/download/Thu-vien-Huong-dan-chan-doan-dieu-tri-Quy-trinh-ky-thuat-va-cac-Tai-lieu-chuyen-mon-kham-chua-benh/Quyet-dinh-so-5481-QD-BYT-ngay-31-12-2020-cua-Bo-Y-te-V-v-ban-hanh-tai-lieu-chuyen-mon-Huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-dai-thao-duong-tip-2.html Ngày truy cập: 10/10/2022
3. Lifestyle Management: Standards of Medical Care in Diabetes 2019 https://diabetesjournals.org/care/article/42/Supplement_1/S46/31274/5-Lifestyle-Management-Standards-of-Medical-Care Ngày truy cập: 1/9/2022
4. What is the Diabetes Plate Method? https://www.diabetesfoodhub.org/articles/what-is-the-diabetes-plate-method.html Ngày truy cập: 1/9/2022
5. Diabetes diet: Create your healthy-eating plan https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-diet/art-20044295 Ngày truy cập: 10/10/2022


GLU-C-323-22

Bài viết liên quan