Tại sao đường huyết lúc đói lại quan trọng đối với người mắc đái tháo đường tuýp 2?

Tại sao đường huyết lúc đói lại quan trọng đối với người mắc đái tháo đường tuýp 2?

Banner
Banner
Banner

Đường huyết lúc đói là một trong những chỉ số giúp chẩn đoán tình trạng tiền đái tháo đường, đái tháo đường hoặc đái tháo đường thai kỳ [3]. Không những vậy, đây còn là manh mối quan trọng để biết một người đang kiểm soát mức đường huyết của họ như thế nào [4].

Đường huyết lúc đói là gì?

Đường huyết lúc đói là giá trị đường huyết được đo khi bạn không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (trừ nước lọc) trong ít nhất 8 tiếng trước đó [1]. Đây là một trong những chỉ số có giá trị chẩn đoán đái tháo đường, tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường thai kỳ. Đồng thời, chỉ số này cũng giúp theo dõi mức đường huyết theo thời gian ở người mắc đái tháo đường để có cách kiểm soát hiệu quả [3].

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), mức đường huyết lúc đói ở người bình thường sẽ thấp hơn 100mg/dL. Nếu giá trị này nằm trong khoảng từ 100 - 125mg/dL thì được xem là tiền đái tháo đường, còn nếu từ 126 mg/dL trở lên thì được chẩn đoán mắc đái tháo đường [1].

Thông thường, để chẩn đoán đái tháo đường, xét nghiệm đường huyết lúc đói có thể được thực hiện riêng lẻ hoặc được thực hiện cùng với các xét nghiệm như [2]:

● Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên

● Xét nghiệm hemoglobin glycated (HbA1c)

● Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.

Nhìn chung, xét nghiệm đường huyết lúc đói được đánh giá là nhạy và chính xác hơn so với xét nghiệm HbA1c. Tuy nhiên, mức độ nhạy của xét nghiệm này có thể không bằng với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống [2].

Cần chuẩn bị gì trước và trong khi thực hiện xét nghiệm đường huyết lúc đói?

Trước khi xét nghiệm đường huyết lúc đói, bạn sẽ không được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (trừ nước lọc) trong vòng ít nhất 8 tiếng. Đây là xét nghiệm máu, thông thường sẽ được thực hiện vào buổi sáng, trước khi bạn ăn sáng [1].

Kết quả xét nghiệm thường sẽ có trong vòng vài giờ [3]. Nếu kết quả cho thấy bạn mắc đái tháo đường, bạn có thể được yêu cầu quay lại vào một ngày khác để thực hiện xét nghiệm lần thứ 2 nhằm xác định chẩn đoán chắc chắn. Ở lần thực hiện này, bạn cũng có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm HbA1c hoặc nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống thay vì xét nghiệm đường huyết lúc đói [2].

Cách ổn định đường huyết cho người mắc đái tháo đường

Sau khi có kết quả xét nghiệm, các chuyên gia sẽ tiến hành đưa ra các lời khuyên tương ứng với tình trạng sức khỏe. Nếu bạn mắc đái tháo đường, bạn sẽ cần phải thay đổi lối sống bằng cách ăn uống khoa học và vận động thường xuyên cùng với việc chủ động khám sức khỏe và dùng thuốc theo hướng dẫn [6].

Khám sức khỏe định kỳ và dùng thuốc theo hướng dẫn: Bạn có thể sẽ được kê một số loại thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe. Một lưu ý là quan trọng là bạn cần dùng thuốc theo hướng dẫn để kiểm soát đường huyết hiệu quả [6].

Thực hiện chế độ ăn hợp lý và cân bằng cho người mắc đái tháo đường tuýp 2: Một chế độ dinh dưỡng cân bằng cần đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể hoạt động, giúp ngăn ngừa cảm giác đói và thèm ăn cũng như ổn định đường huyết [5]. Bạn nên tập trung ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế các món chứa nhiều chất béo bão hòa, chất bột đường tinh chế và món chứa nhiều đường [6]. Khi lựa chọn thực phẩm, cần ưu tiên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp dưới 55 hoặc kết hợp giữa các món có chỉ số GI cao như bánh mì, gạo nguyên cám và thực phẩm GI thấp như rau củ [5].

Tăng cường vận động: Tập thể dục có thể giúp kiểm soát và ổn định đường huyết. Người đái tháo đường tuýp 2 nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với các bộ môn như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, yoga…. Đồng thời, tránh ngồi quá lâu trong thời gian dài. Sau mỗi 30 phút, bạn nên đứng dậy và vận động nhẹ nhàng [6].

Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn sẽ hiểu rõ hơn về chỉ số đường huyết lúc đói và quá trình thực hiện xét nghiệm này. Bên cạnh đó, bài viết cũng cung cấp cho bạn cách ổn định đường huyết cho người đái tháo đường tuýp 2. Hãy chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, bạn nhé!

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:

1. Diagnosis https://diabetes.org/diabetes/a1c/diagnosis Ngày truy cập: 11/09/2022
2. What Is the Fasting Plasma Glucose Test? https://www.verywellhealth.com/understanding-the-fasting-plasma-glucose-test-1087680 Ngày truy cập: 11/09/2022
3. Fasting Blood Sugar Test https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/21952-fasting-blood-sugar Ngày truy cập: 11/09/2022
4. Fasting blood sugar (glucose): Normal levels and testing https://www.medicalnewstoday.com/articles/317466 Ngày truy cập: 11/09/2022
5. Sách sống khỏe mạnh và cân bằng cùng đái tháo đường, Nhà xuất bản Y học
6. Type 2 Diabetes https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-2-diabetes/diagnosis-treatment/drc-20351199 Ngày truy cập: 11/09/2022

GLU-C-252-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan