Đái tháo đường tuýp 2: Triệu chứng, nguyên nhân và cách kiểm soát

Đái tháo đường tuýp 2: Triệu chứng, nguyên nhân và cách kiểm soát

Banner
Banner
Banner

Đái tháo đường tuýp 2 là vấn đề sức khỏe thường gặp ở những người thừa cân, béo phì [1]. Tình trạng này thường diễn tiến chậm theo thời gian nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng. Hãy tìm hiểu thêm về tình trạng này để biết cách kiểm soát đường huyết hiệu quả, tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đái tháo đường tuýp 2 và các dấu hiệu thường gặp

Đái tháo đường tuýp 2 là tình trạng mà cơ thể suy giảm khả năng sử dụng đường (glucose) để tạo thành năng lượng. Tình trạng này chủ yếu liên quan đến hai quá trình, một là tuyến tụy không sản xuất đủ insulin (một hormone giúp đường di chuyển vào tế bào) và hai là các tế bào kém nhạy với insulin làm kém hấp thu đường. Kết quả là lượng đường trong máu tăng cao và có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe như rối loạn hệ tuần hoàn, thần kinh và miễn dịch [2].

Các triệu chứng thường gặp bao gồm [3]:

● Đi tiểu nhiều hơn bình thường, nhất là vào ban đêm

● Luôn cảm thấy khát nước

● Mệt mỏi kéo dài

● Sụt cân ngoài ý muốn

● Ngứa xung quanh bộ phận sinh dục hoặc hay bị tưa miệng

● Vết thương lâu lành hơn bình thường

● Mờ mắt

Ai có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2?

Đái tháo đường tuýp 2 thường phát triển ở những người trên 45 tuổi nhưng ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc phải, kể cả trẻ em. [4]

Những yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2 gồm: [2], [5]

● Thừa cân, béo phì

● Béo bụng, vòng bụng ở nam trên 90cm và trên 80cm ở nữ (theo chuẩn châu Á)

● Ít vận động

● Có ba mẹ hay anh chị em mắc đái tháo đường

● Bị tăng huyết áp hoặc có huyết áp cao

● Nồng độ mỡ máu triglycerid cao và cholesterol HDL thấp

● Hội chứng buồng trứng đa nang

● Đang ở giai đoạn tiền đái tháo đường

● Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ

 

Cách kiểm soát đái tháo đường tuýp 2

Việc kiểm soát đái tháo đường tuýp 2 thường tập trung vào 3 yếu tố quan trọng được xem là nguyên tắc “kiềng 3 chân” trong quản lý đái tháo đường là chế độ ăn uống, vận động và dùng thuốc theo chỉ định [1], [2], [4].

Thay đổi chế độ ăn uống

Mỗi người sẽ cần trao đổi với chuyên gia y tế về lượng chất béo, đạm và bột đường (carbohydrate) cần thiết trong chế độ ăn. Ngoài ra, bữa ăn cũng nên phù hợp với lối sống và thói quen cũng như sở thích của bạn. [1]

Những thực phẩm nên lựa chọn cho người đái tháo đường tuýp 2 gồm: [2]

● Thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau củ không chứa nhiều tinh bột, ngũ cốc nguyên hạt

● Hạn chế thực phẩm nhiều tinh bột, đồ ngọt

● Khẩu phần ăn vừa đủ với sữa ít béo, thịt ít mỡ và cá

● Dùng dầu ăn từ thực vật tốt cho sức khỏe như dầu ô liu, dầu hạt cải

● Thực phẩm ít calo

Bên cạnh đó, người mắc đái tháo đường tuýp 2 cũng có thể lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho người mắc đái tháo đường để hỗ trợ kiểm soát đường huyết tốt hơn. Các sản phẩm này sẽ giúp bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và cân đối với hệ bột đường tiên tiến tiêu hóa từ từ và được bổ sung myo-inositol, giúp kiểm soát tốt đường huyết. Cùng với đó, các sản phẩm này cũng được bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể khỏe mạnh và hỗn hợp chất béo giàu axit béo không no một nối đôi (MUFA) và axit béo không no nhiều nối đôi (PUFA) tốt cho tim mạch.

Vận động thường xuyên

Tập luyện thể dục là một phần không thể thiếu trong việc kiểm soát đái tháo đường tuýp 2. Bạn có thể bắt đầu từ những hoạt động nhẹ nhàng mà bạn yêu thích như đi bộ, đạp xe và thực hiện đều đặn [6].

Sử dụng thuốc theo hướng dẫn

Các thuốc giúp quản lý đái tháo đường dùng đường uống thường được chỉ định bởi chuyên gia trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, người mắc đái tháo đường tuýp 2 cũng có thể được sử dụng insulin để kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn [7].

Đái tháo đường tuýp 2 là một tình trạng mãn tính [1]. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát và chung sống với tình trạng này bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thường xuyên và sử dụng thuốc theo chỉ định [2].

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:

1. Type 2 diabetes. https://medlineplus.gov/ency/article/000313.htm. Ngày truy cập 07/9/2022.
2. Type 2 diabetes. Symptoms & causes. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-2-diabetes/symptoms-causes/syc-20351193. Ngày truy cập 07/9/2022.
3. Symptoms. Type 2 diabetes. https://www.nhs.uk/conditions/type-2-diabetes/symptoms/. Ngày truy cập 07/9/2022.
4. Type 2 Diabetes. https://www.cdc.gov/diabetes/basics/type2.html. Ngày truy cập 07/9/2022.
5. 5 nhóm đối tượng nguy cơ bị đái tháo đường type 2. https://trungtamytequan4.medinet.gov.vn/chuyen-muc/5-nhom-doi-tuong-nguy-co-bi-dai-thao-duong-type-2-cmobile13511-36445.aspx. Ngày truy cập 07/9/2022.
6. Life doesn’t end with type 2 diabetes. https://diabetes.org/diabetes/type-2. Ngày truy cập 07/9/2022.
7. Type 2 Diabetes. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21501-type-2-diabetes#diagnosis-and-tests. Ngày truy cập 07/9/2022.

GLU-C-243-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan