Cách giữ chỉ số đường huyết ở người đái tháo đường ở “mức bình thường”

Cách giữ chỉ số đường huyết ở người đái tháo đường ở “mức bình thường”

Banner
Banner
Banner

Theo dõi chỉ số đường huyết là một phần quan trọng trong quá trình quản lý đái tháo đường tuýp 2. Nếu lượng đường trong máu vượt khỏi “mức đường huyết bình thường”, các biến chứng có thể xảy ra với bạn.

“Mức đường huyết bình thường” ở người mắc đái tháo đường tuýp 2

Chỉ số đường huyết là giá trị thể hiện nồng độ đường (glucose) có trong máu, thường được tính bằng đơn vị mg/dL hoặc mmol/L. Chỉ số đường huyết có thể thay đổi suốt cả ngày. Ở người mắc đái tháo đường tuýp 2, những thay đổi này thường lớn hơn và xảy ra thường xuyên hơn so với người bình thường [1].

Trên thực tế, người mắc đái tháo đường tuýp 2 vốn có chỉ số đường huyết cao hơn người bình thường. Trong quá trình kiểm soát đái tháo đường, bạn luôn được yêu cầu kiểm soát chỉ số đường huyết ở mức mục tiêu là [2]:

Lúc đói: Trong khoảng 80–130 mg/dL.

Sau ăn 1-2 giờ: Dưới 180 mg/dL.

Các biến chứng xảy ra khi đường huyết dao động không ổn định

Lượng đường trong máu của người mắc đái tháo đường nếu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, cả cấp tính lẫn mãn tính.

Biến chứng cấp tính

Biến chứng cấp tính của đái tháo đường tuýp 2 có thể kể đến như hạ đường huyết, hôn mê do nhiễm toan ceton, hôn mê tăng glucose máu không nhiễm toan ceton và các nhiễm trùng cấp [3].

Trong đó, hạ đường huyết xảy ra khi nồng độ đường huyết giảm thấp <70 mg/dL, thường do người mắc đái tháo đường ăn uống kiêng cữ quá mức, nhịn ăn khi đang dùng thuốc, tập thể dục quá sức, uống nhiều rượu... Tình trạng này khiến người mắc đái tháo đường bị chóng mặt, đổ mồ hôi, run và nghiêm trọng hơn là bất tỉnh, co giật hoặc hôn mê [4].

Biến chứng mãn tính

Nồng độ đường huyết tăng cao liên tục có khả năng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan quan trọng [5]. Người mắc đái tháo đường có thể phát triển biến chứng về võng mạc, biến chứng về thận, biến chứng về thần kinh, biến chứng bàn chân do đái tháo đường [6]. Ngoài ra, còn làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề khác như tim mạch, vấn đề răng miệng, vết thương chậm lành, giảm thính lực, chứng ngưng thở khi ngủ…[5], [6].

Có thể thấy, đái tháo đường tuýp 2 gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, việc duy trì mức đường huyết mục tiêu đóng vai trò quan trọng, giúp ngăn ngừa các biến chứng này.

Mách bạn cách duy trì “đường huyết bình thường”

Để duy trì “mức đường huyết bình thường”, ổn định, người mắc đái tháo đường tuýp 2 cần kết hợp giữa việc dùng thuốc và thay đổi lối sống lành mạnh, đặc biệt là xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp

Kiểm soát lượng carbohydrate tiêu thụ trong mỗi bữa ăn

Khi tiêu thụ thực phẩm chứa carbohydrate, cơ thể sẽ phân hủy hợp chất này để tạo ra glucose, từ đó làm tăng nồng độ đường huyết. Để quản lý đái tháo đường tuýp 2 hiệu quả, điều quan trọng là bạn cần kiểm soát lượng carbohydrate tiêu thụ trong mỗi bữa ăn [7].

Trước đây, Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) từng khuyên người mắc đái tháo đường nên dung nạp khoảng 45% tổng lượng calo hằng ngày từ carbohydrate. Tuy nhiên hiện nay, ADA khuyến nghị chuyên gia y tế nên cá nhân hóa chế độ dinh dưỡng dựa trên sở thích cũng như tuổi tác, cân nặng, mức độ vận động và tình trạng sức khỏe của từng người [8].

Lựa chọn nguồn carbohydrate tốt cho sức khỏe

Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp cũng giúp người mắc đái tháo đường tuýp 2 kiểm soát đường huyết bởi không phải loại carbohydrate nào cũng tốt cho sức khỏe. Carbohydrate được chia làm hai loại là carbohydrate phức hợp và carbohydrate đơn. Theo đó, người mắc đái tháo đường nên ăn các loại carbohydrate phức hợp vì các loại thực phẩm này giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất, đồng thời ít đường, natri và chất béo không lành mạnh [9].

Hiện trên thị trường có các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho người mắc đái tháo đường có chứa hệ bột đường tiên tiến được tiêu hóa từ từ với chỉ số đường huyết thấp và bổ sung myo-inositol, kết hợp cùng hỗn hợp chất xơ kép giúp đường huyết không tăng quá nhanh sau khi dùng. Nhiều sản phẩm còn được bổ sung thêm vitamin và khoáng chất giúp bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và cân đối.

 

Bổ sung protein có lợi cho sức khỏe

Protein là một nguồn cung cấp năng lượng khác mà người mắc đái tháo đường tuýp 2 có thể bổ sung vào chế độ ăn [10]. Protein có thể chia thành protein có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng sữa) và protein có người gốc thực vật (đậu, hạt,..). Cần lưu ý rằng, protein có nguồn gốc động vật có chứa nhiều chất béo bão hòa và có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, còn protein có nguồn gốc thực vật có thể chứa 1 lượng carbohydrate đáng kể. Vì vậy, cần chọn lựa protein có tỉ lệ thấp chất béo bão hòa, cũng như chứa ít carbohydrate để không làm ảnh hưởng nhiều đến đường huyết [10].

 

Vận động thường xuyên

Vận động thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người đái tháo đường tuýp 2 duy trì cân nặng khỏe mạnh, đồng thời điều hòa lượng đường trong máu. Bạn nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần để kiểm soát đái tháo đường hiệu quả [13].

 

Dùng thuốc theo hướng dẫn

Nếu không thể kiểm soát đường huyết ở mức mục tiêu bằng chế độ ăn uống và vận động, bạn có thể được chỉ định dùng thuốc [14]. Điều bạn cần làm là sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn.

Có thể thấy, việc duy trì “mức đường huyết bình thường” đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiểm soát đái tháo đường tuýp 2. Bạn cần theo dõi sát sao mức đường huyết để có hướng xử lý kịp thời khi chỉ số này “biến động”.

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý

Nguồn tham khảo:
1. Checking your blood sugar levels https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/managing-your-diabetes/testing
2. The Big Picture: Checking Your Blood Glucose https://diabetes.org/healthy-living/medication-treatments/blood-glucose-testing-and-control/checking-your-blood-sugar
3. Phòng ngừa biến chứng bệnh đái tháo đường https://hanam.gov.vn/syt/Pages/phong-ngua-bien-chung-benh-dai-thao-duong.aspx
4. Hypoglycemia? Low Blood Glucose? Low Blood Sugar? https://diabetesjournals.org/clinical/article/30/1/38/35419/Hypoglycemia-Low-Blood-Glucose-Low-Blood-Sugar
5. Type 2 diabetes https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-2-diabetes/symptoms-causes/syc-20351193
6. Complications of diabetes https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/complications
7. Understanding Carbs Find your balance https://diabetes.org/healthy-living/recipes-nutrition/understanding-carbs
8. How Many Carbs Should You Eat If You Have Diabetes? https://www.healthline.com/nutrition/diabetes-carbs-per-day#daily-intake
9. Tại sao người bệnh đái tháo đường cần hạn chế lượng carb mỗi ngày? https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-nguoi-benh-dai-thao-duong-can-han-che-luong-carb-moi-ngay-169220427103902305.htm
10. What is the Diabetes Plate Method? https://www.diabetesfoodhub.org/articles/what-is-the-diabetes-plate-method.html
11. How Much Protein Should a Person With Diabetes Eat? https://www.verywellhealth.com/how-much-protein-should-a-person-with-diabetes-eat-2506615
12. 5. Facilitating Behavior Change and Well-being to Improve Health Outcomes: Standards of Medical Care in Diabetes—2021 https://diabetesjournals.org/care/article/44/Supplement_1/S53/30778/5-Facilitating-Behavior-Change-and-Well-being-to
13. Regular exercise can help put you back in control of your life https://diabetes.org/healthy-living/fitness
14. Type 2 diabetes https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-2-diabetes/diagnosis-treatment/drc-20351199

GLU-C-256-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan