Lượng đường trong máu tăng cao: Hậu quả nghiêm trọng hơn bạn nghĩ!

Lượng đường trong máu tăng cao: Hậu quả nghiêm trọng hơn bạn nghĩ!

Banner
Banner
Banner

Với người mắc đái tháo đường, nếu lượng đường trong máu tăng cao thường xuyên mà không can thiệp có thể dẫn đến nhiều biến chứng cấp và mãn tính như nhiễm toan ceton, bệnh tim, bệnh thận…[1], [2] Do đó, việc hiểu rõ về lượng đường trong máu cũng như cách kiểm soát chỉ số này đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý, kiểm soát và hạn chế biến chứng đái tháo đường.

Lượng đường trong máu bao nhiêu là hợp lý?

Lượng đường trong máu (hay còn gọi là đường huyết) là một trong những chỉ số có thể giúp chẩn đoán, theo dõi đái tháo đường, tiền đái tháo đường [7]. Chỉ số này có thể được đo ở một số thời điểm trong ngày như trước bữa ăn hoặc trước khi tập thể dục, trước khi đi ngủ, trước khi lái xe hoặc vào bất cứ thời điểm nào mà bạn nghĩ lượng đường trong máu tăng hoặc giảm [6].

Thông thường, ở người bình thường, lượng đường trong máu khi đói thường thấp hơn 100mg/dL, nếu đo đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose thì chỉ số này sẽ thấp hơn 140mg/dL. Nếu mức đường huyết khi đói nằm trong mức từ 100 - 125mg/dL, đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose từ 140 - 199mg/dL thì có thể là dấu hiệu cảnh báo tiền đái tháo đường. Còn nếu đường huyết khi đói từ 126mg/dL trở lên, đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose từ 200mg/dL trở lên thì có thể là dấu hiệu cảnh báo đái tháo đường [8].

Nếu bạn đo lượng đường trong máu và thấy chỉ số này nằm trong trong mức cảnh báo đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường, tốt nhất bạn nên đi khám để được chẩn đoán cũng như có các biện pháp can thiệp kịp thời. Bởi nếu lượng đường trong máu tăng cao thường xuyên mà không được can thiệp có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng [4].

Chuyện gì sẽ xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao ở người mắc đái tháo đường?

Nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng cao là do cơ thể có quá ít insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng insulin đúng cách [3]. Lượng đường trong máu tăng cao là khi chỉ số này cao hơn 125mg/dL khi bạn đo đường huyết lúc đói hoặc cao hơn 200mg/dL trong khoảng 1 - 2 giờ sau khi ăn [4]. Nếu không được can thiệp, tình trạng đường huyết tăng cao thường xuyên có thể dẫn đến các biến chứng:

Biến chứng cấp tính

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường [1]

Tình trạng nhiễm toan ceton do đái tháo đường hình thành khi bạn không có đủ insulin trong cơ thể. Khi tình trạng này xảy ra, glucose không thể đi vào tế bào của bạn để tạo năng lượng. Từ đó khiến lượng đường trong máu tăng lên và cơ thể bắt đầu phân hủy chất béo để lấy năng lượng.

Khi chất béo bị phân hủy để lấy năng lượng trong cơ thể, nó sẽ tạo ra các axit độc hại gọi là ceton. Ceton tích tụ trong máu và cuối cùng sẽ thải ra trong nước tiểu. Nếu không được can thiệp kịp thời, nhiễm toan ceton do đái tháo đường có thể dẫn đến hôn mê và thậm chí là đe dọa đến tính mạng.

Biến chứng mãn tính [1], [9]

Đây là những biến chứng sinh ra do lượng đường trong máu tăng cao mạn tính, cơ thể bị rối loạn chuyển hóa chất đường, chất đạm và chất béo, từ đó làm suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể:

● Biến chứng tim mạch như cao huyết áp, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch ngoại vi.

● Biến chứng thần kinh, gây cảm giác đau, tê, nóng ở chân, nhịp tim và nhịp thở bất ổn định, hay tiết mồ hôi.

● Biến chứng về thận (bệnh thận do đái tháo đường), làm suy giảm chức năng lọc của thận, thậm chí suy thận.

● Biến chứng mắt: Đường huyết tăng cao gây tổn thương các mạch máu của mắt, khiến thị lực bị suy giảm và có thể dẫn đến mù lòa. Những biến chứng về mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp… cũng có thể xảy ra.

● Biến chứng nhiễm trùng: Lượng đường trong máu tăng cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và làm suy yếu hệ miễn dịch, gây nên nhiễm trùng ở nhiều vùng trên cơ thể.

3 "chìa khóa" giúp ổn định lượng đường trong máu cho người mắc đái tháo đường

Lượng đường trong máu tăng cao có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Để hạn chế những biến chứng, điều quan trọng là bạn cần kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu. Trên thực tế, sẽ rất dễ để ổn định đường huyết nếu bạn kiên nhẫn duy trì một lối sống lành mạnh. Sau đây là 3 bí quyết giúp bạn đạt được mục tiêu này: 

Luyện tập thể dục thường xuyên: Luyện tập thể dục sẽ giúp giữ cho lượng đường trong máu ở mức ổn định. Bạn hãy cố gắng vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, trong 5 ngày một tuần với các bộ môn như đi bộ, yoga, bơi lội…[5]

Tuân thủ chế độ ăn uống khoa học: Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học sẽ giúp ổn định đường huyết. Cố gắng hạn chế dùng các thực phẩm có chứa nhiều đường hoặc các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như bánh mì, gạo nguyên cám, ưu tiên chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như rau củ hoặc có thể cân nhắc sử dụng thêm sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho người mắc đái tháo đường để thay thế bữa chính hoặc dùng như bữa phụ [9]. Ngoài ra, nếu bạn đang dùng insulin hoặc các loại thuốc đái tháo đường, hãy nhất quán về số lượng và thời gian dùng bữa và lưu ý đến các bữa ăn nhẹ, bữa ăn phụ [1].

Dùng thuốc theo chỉ định: Cuối cùng, hãy dùng thuốc đúng theo hướng dẫn khi được yêu cầu. Ngoài ra, hãy chủ động hỏi ý kiến của chuyên gia y tế trong việc điều chỉnh liều lượng thuốc phụ thuộc vào kết quả kiểm tra lượng đường trong máu và tần suất tập luyện thể dục [1].

Qua những chia sẻ trên, rất mong rằng bạn đã hiểu rõ hơn về tình trạng lượng đường trong máu tăng cao và những rủi ro biến chứng có thể gây ra. Bên cạnh đó, hy vọng 3 bí quyết trên cũng giúp bạn xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh nhé!  

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:
1. Hyperglycemia in diabetes https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperglycemia/symptoms-causes/syc-20373631  Ngày truy cập: 16/9/2022
2. High blood sugar (hyperglycaemia) https://www.nhs.uk/conditions/high-blood-sugar-hyperglycaemia/ Ngày truy cập: 16/9/2022
3. Hyperglycemia (High Blood Glucose) https://diabetes.org/healthy-living/medication-treatments/blood-glucose-testing-and-control/hyperglycemia Ngày truy cập: 16/9/2022
4. Hyperglycemia (High Blood Sugar) https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9815-hyperglycemia-high-blood-sugar Ngày truy cập: 16/9/2022
5. Nondiabetic Hyperglycemia https://www.drugs.com/cg/nondiabetic-hyperglycemia.html
6. How and When to Test Your Blood Sugar With Diabetes https://www.webmd.com/diabetes/how-test-blood-glucose Ngày truy cập: 16/9/2022
7. Blood Glucose Test https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/12363-blood-glucose-test Ngày truy cập: 16/9/2022
8. Diagnosis https://diabetes.org/diabetes/a1c/diagnosis Ngày truy cập: 16/9/2022
9. Sống khỏe mạnh và cân bằng cùng Đái tháo đường, Nhà xuất bản Y học

GLU-C-258-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan