BÉ KHỎE, MẸ NHANH LẠI DÁNG VỚI BÍ QUYẾT CHĂM SÓC MẸ VÀ BÉ SAU KHI SINH MỔ

BÉ KHỎE, MẸ NHANH LẠI DÁNG VỚI BÍ QUYẾT CHĂM SÓC MẸ VÀ BÉ SAU KHI SINH MỔ
BÉ KHỎE, MẸ NHANH LẠI DÁNG VỚI BÍ QUYẾT CHĂM SÓC MẸ VÀ BÉ SAU KHI SINH MỔ
BÉ KHỎE, MẸ NHANH LẠI DÁNG VỚI BÍ QUYẾT CHĂM SÓC MẸ VÀ BÉ SAU KHI SINH MỔ

Việc hiểu rõ cách chăm sóc mẹ và bé sau sinh mổ là điều vô cùng cần thiết để giúp mẹ nhanh hồi phục và em bé mới sinh phát triển tốt hơn. Vậy cần chăm sóc mẹ và bé sau khi sinh mổ như thế nào?

Phần lớn thời gian mẹ sẽ là người trực tiếp chăm sóc và cho bé bú nên việc giữ cho sức khỏe mẹ ổn định sau sinh sẽ góp phần giúp bé nhận được nguồn dinh dưỡng tốt. Bài viết sau sẽ tổng hợp một số lời khuyên về việc chăm sóc mẹ và bé sau khi sinh mổ bạn nên lưu ý.

Chăm sóc mẹ sau sinh mổ: Những điều cần lưu ý

Theo nghiên cứu, thời gian trung bình để mẹ hồi phục hoàn toàn về thể chất sau sinh mổ chủ động là 6 tuần, sau sinh mổ khẩn cấp là hơn 6 tuần [1]. Trong quá trình chăm sóc sức khỏe tại nhà, mẹ sinh mổ cần lưu ý trong một số hoạt động thường ngày cũng như việc ăn uống sau sinh mổ để việc hồi phục được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn

Lưu ý về các hoạt động hàng ngày [2,3]

● Không nên khiêng, vác hoặc nâng bất cứ đồ vật gì có trọng lượng nặng hơn em bé của bạn trong 6 đến 8 tuần đầu tiên sau sinh.

● Tránh làm những công việc nhà quá nặng nhọc sau khi vừa sinh mổ.

● Không lái xe ô tô hoặc xe máy, xe đạp trong ít nhất 2 tuần.

● Đi bộ hoặc vận động nhẹ nhàng mỗi ngày để ngăn ngừa đông máu và táo bón [5]. Tuy nhiên, nên tránh các động tác thể dục quá sức như chạy bộ, các bài tập đòi hỏi căng cơ, vận động mạnh hay phải leo cao, đi cầu thang.

● Không dùng tampons (băng vệ sinh dạng que) hay cốc nguyệt san hoặc thụt rửa sâu vào âm đạo khi vệ sinh vùng kín.

● Bạn có thể tắm rửa nhưng cần tránh làm ướt vết thương. Nên tắm trong phòng kín gió, tắm bằng nước ấm nhưng không nên ngâm mình trong bồn tắm và tránh đi bơi cho đến khi vết mổ lành hẳn.

● Kiêng quan hệ tình dục trong ít nhất 6 tuần hoặc thậm chí là chỉ nên “yêu” khi bạn đã sẵn sàng về thể chất lẫn tâm lý..

Lưu ý về chế độ ăn sau sinh mổ [4]

Sau sinh mổ, mẹ cũng cần chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống. Trong ngày đầu sau sinh mổ, bạn nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng. Sau khi xì hơi, bạn có ăn uống như bình thường. Lúc này, bạn nên:

● Tăng cường các thực phẩm giàu dinh dưỡng như cá, trứng, sữa…

● Ăn nhiều rau xanh, trái cây để tránh táo bón 

● Tránh các thực phẩm có chất kích thích như ớt, cà phê, trà do sẽ gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa

● Chú ý uống đủ nước (khoảng 2 lít nước).

Sau sinh mổ, trường hợp nào mẹ cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế?

Nếu không được chăm sóc kỹ, các mẹ có thể vẫn không tránh khỏi các vấn đề như nhiễm trùng vết mổ hoặc các bệnh hậu sản. Vì vậy, nếu có những dấu hiệu dưới đây, mẹ cần được nhập viện ngay lập tức [2,3]:

● Vết mổ bị hở và kèm theo những dấu hiệu nhiễm trùng như sưng đỏ, chảy mủ, đau đớn…

● Máu âm đạo vẫn còn đỏ tươi, chảy nhiều và kéo dài hơn 4 ngày kể từ khi sinh mổ. Ước tính bạn phải thay 1 miếng băng vệ sinh cỡ lớn mỗi giờ hoặc xuất hiện cục máu đông lớn.

● Sốt cao trên 38 độ C.

● Đau bụng dữ dội.

● Tiết dịch âm đạo nghiêm trọng hơn và có mùi hôi.

● Buồn nôn hoặc nôn mửa.

● Tiểu tiện và đại tiện gặp khó khăn.

● Có dấu hiệu của đông máu như sưng đau ở bắp chân, đùi, đầu gối…

● Đau đầu kéo dài và không chấm dứt hoặc có xu hướng trở nên tệ hơn.

● Đau ê ẩm toàn bộ cơ thể.

Bí quyết chăm sóc bé sau khi sinh mổ

Trẻ sinh mổ không được tiếp xúc với lợi khuẩn có ở âm đạo của mẹ, thay vào đó lại là sự xâm nhập của vi khuẩn trong môi trường bệnh viện [8]. Việc này khiến hệ vi sinh đường ruột ở trẻ bị sinh mổ có thể bị “xáo trộn” đến tận 6 tháng sau sinh. Trong khi đó, hệ vi sinh đường ruột lại đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của hệ miễn dịch. Do đó, trẻ sinh mổ sẽ có nguy cơ miễn dịch kém hơn và dễ mắc một số bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa [9]. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy trẻ sinh mổ có nguy cơ miễn dịch kém cao hơn 1,5 lần và nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn 1,3 lần so với trẻ sinh thường [6,7].

Vì những lý do trên, để trẻ sinh mổ phát triển tốt nhất, bạn cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Bởi trong sữa mẹ chứa rất nhiều thành phần hỗ trợ hệ miễn dịch và chất dinh dưỡng cần thiết giúp trẻ hoàn thiện hệ vi sinh đường ruột và phát triển hệ miễn dịch.

Tiêu biểu nhất phải kể đến là HMO – dưỡng chất nhiều thứ 3 trong sữa mẹ. Trong đó, 5 HMOs chiếm hàm lượng nhiều nhất trong sữa mẹ là 2’-FL, 3-FL, LNT, 3’-SL, 6’-SL. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện HMO có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ sơ sinh, bao gồm thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn, tăng cường sức khỏe đường ruột và nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ [10]. Đặc biệt, 2’- FL HMO còn là dưỡng chất được chứng minh lâm sàng giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng hô hấp ở trẻ đến 66% [11], ngăn ngừa mầm bệnh [12].

Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có chứa nucleotides. Đây là dưỡng chất được chứng minh giúp tăng cường miễn dịch, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và hỗ trợ tăng sản xuất kháng thể nhiều hơn 86% sau 6 tháng tiêm vaccine (HIB) [13]. Sữa mẹ cũng có chứa lợi khuẩn Bifidobacteria. Đây là chủng lợi khuẩn chiếm ưu thế ở trẻ bú mẹ, có vai trò giúp trẻ cân bằng hệ vi sinh đường ruột và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng [14].

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Trong trường hợp mẹ không thể cho bé bú, mẹ có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế để tìm được giải pháp dinh dưỡng phù hợp cho bé.

Tóm lại, mẹ và bé sau khi sinh mổ cần đặc biệt được theo dõi và chăm sóc chu đáo. Những dấu hiệu bất thường cần được phát hiện và xử lý càng sớm càng tốt. Đồng thời, để hạn chế nguy cơ nhập viện và nhanh phục hồi thì các mẹ nên ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý trước khi quay lại sinh hoạt, làm việc như bình thường.

SIM-C-293-23

Gợi ý sản phẩm